Khảo sát 2 giải pháp tham dự thi Hội thi Sáng tạo kỹ thuật của nhà nông tỉnh Long An lần IV: “Trồng củ từ xen trên cây ớt” và “Máy cõng rơm”
08/12/2016
Lượt xem: 125
Tính đến thời điểm này, Ban Tổ chức Hội thi "Sáng tạo Kỹ thuật của nhà nông" lần thứ IV năm 2015 - 2016 đã nhận được khá nhiều hồ sơ hoàn thiện về giải pháp, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của nông dân 15 huyện, thị xã và TP.Tân An.
Trong thời gian gần đây, đoàn khảo sát Hội thi Sáng tạo kỹ thuật của nhà nông tỉnh Long An do ông Đỗ Văn Dung – Chủ tịch Hội Nông Dân tỉnh Long An, làm trưởng đoàn đã đến khảo sát công trình "Trồng củ từ xen trên cây ớt" của ông Lê Văn Hằng ở ấp Lộc Thạnh, xã Lộc Giang, huyện Đức Hoà và công trình "Máy cõng rơm" của ông Phạm Văn Rạ ở ấp An Hiệp, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hoà. Đoàn khảo sát đã đến nhà nông dân có sáng kiến kỹ thuật tham gia Hội thi để nghe nông dân giới thiệu về các sản phẩm do mình chế tạo được và giải đáp những khó khăn về trình tự, thủ tục, cách thức tham gia Hội thi.
Công trình tồng củ từ xen trên cây ớt
Đối với công trình "Trồng củ từ xen trên cây ớt": Tác giả đã tận dụng tối đa diện tích đất nông nghiệp kết hợp trồng củ từ xen cây ớt. Khi củ từ bắt đầu nảy mầm (1 tháng sau) dùng thuốc cháy xịt để huỷ ớt, tập trung phân bón cho củ từ. Với cách trồng này ta tận dụng được phân bón, màng phủ còn lại của cây ớt để sử dụng cho củ từ, đồng thời tiết kiệm được công cày xới so với chỉ canh tác cây ớt. Mỗi vụ thu hoạch được 3 tấn củ từ/công.
Công trình "Máy cõng rơm"
Công trình "Máy cõng rơm" có cấu tạo gồm động cơ máy cày kết hợp cơ cấu đưa rơm từ ruộng lên bộ phận chứa rơm. Kích thước bộ phận chứa rơm phía trước 1,5 m x 1 m; kích thước bộ phận chứa rơm phía sau 2,4 m x 1,7 m; Máy chở được từ 75 đến 80 cuộn rơm/ lần chở.
Sau khi kết thúc buổi làm việc, Đoàn đã đưa ra các kết luận sau: Cả 2 giải pháp đều mang lại những lợi ích khác nhau cho người dân. Giải pháp "Trồng củ từ xen trên cây ớt" giúp người dân tăng thêm thu nhập trên cùng một diện tích đất canh tác khi trồng xen canh củ từ trên cây ớt. Và giải pháp "Máy cõng rơm" góp phần giảm sức lao động đáng kể cho người dân trong khâu vận chuyển rơm.
Phòng QLCN