1. Đánh giá kết quả triển khai
1.1 Kết quả triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị
Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới được chú trọng quan tâm thông qua triển khai các hình thức tuyên truyền, phổ biến thông tin, kiến thức:
+ Đã thực hiện thông tin tuyên truyền thường xuyên các nội dung liên quan đến tuyên truyền về công nghệ sinh học tại các chuyên trang, chuyên mục về Thông tin công nghệ, Khoa học ứng dụng, Công nghiệp... và các chương trình thời sự trên sóng phát thanh, truyền hình, đặc biệt là kết quả triển khai có nhiệm vụ KH&CN nhằm giới thiệu rộng rãi các ứng dụng KH&CN về công nghệ sinh học đến đời sống xã hội của tỉnh với 20 tin về ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản xuất sạch, bảo vệ môi trường, liên kết sản xuất; ứng dụng công nghệ sinh học và các quy trình, kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản;
+ Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh cấp huyện: Đã đăng phát 214 lượt tin, bài thông tin tuyên truyền các nội dung liên quan đến tuyên truyền về công nghệ sinh học.
+ Đăng tải trên website Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) các bài viết giới thiệu về các Hội thảo, kết nôi cung cầu, các kết quả triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học có liên quan, các mô hình sản xuất có ứng dụng công nghệ sinh học.
Qua đó, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, hành động của các cấp, các ngành và người dân trong triển khai nhiệm vụ.
1.2 Kết quả đạt được các nhiệm vụ trọng tâm
1.2.1 Xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới:
Thường xuyên giới thiệu các chính sách liên quan hiện có đến doanh nghiệp; hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng thông quá các khóa tập huấn, hội thảo, hội nghị kết nối cung cầu… nhằm thực hiện công tác thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học.
1.2.2 Tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong
sản xuất và đời sống; phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế -
kỹ thuật quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hàng năm, Sở KH&CN tích cực phối hợp với các viện, trường, cơ quan, đơn vị trong và ngoài tỉnh đề xuất đặt hàng và đưa vào thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp cơ sở về công nghệ sinh học.
Nhìn chung hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm triển khai, tuy nhiên cũng còn khiêm tốn. Kết quả và sản phẩm của các nhiệm vụ KH&CN sau nghiệm thu sẽ được bàn giao cho đơn vị, tổ chức tiếp nhận ứng dụng trên địa bàn tỉnh để đưa vào ứng dụng trong thực tiễn nhằm đáp ứng được các nhu cầu cấp thiết về nghiên cứu triển khai, ứng dụng công nghệ sinh học trong giải quyết các vấn đề đặt ra trên các ngành, lĩnh vực.
a) Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp
- Đối với cây lúa: ứng dụng giải pháp ứng dụng phân hữu cơ, phân bón lá sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân đạm chậm tan, phân NPK thế hệ mới chậm tan; sản xuất lúa theo hướng VietGAP tại các Hợp tác xã; hỗ trợ phân bón hữu cơ vi sinh trong canh tác lúa cho người nông dân; sử dụng các chế phẩm vi sinh xử lý các chất thải trong nông nghiệp thành phân bón hữu cơ; trình diễn canh tác lúa chất lượng cao theo hướng hữu cơ thuộc Đề án “Phát triển và nâng cao chất lượng đất trồng lúa của huyện Cần Đước”; Mô hình 03 giảm 03 tăng ứng dụng các giống lúa mới, chất lượng cao và tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất lúa;
- Đối với cây rau: Triển khai mô hình điểm sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, thuốc trừ sâu sinh học, bảo vệ môi trường, giữ cân bằng hệ sinh thái; kết hợp xây dựng nhà lưới, tưới thông minh, sản xuất đạt chứng nhận an toàn; Thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cây rau: sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học, chế phẩm xử lý rơm rạ…
Ứng dụng công nghệ sinh học đã mang lại nhiều lợi ích trong việc giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công lao động. Đồng thời, các mô hình này còn giúp nâng cao năng suất và lợi nhuận cho người nông dân. Việc sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón lá sinh học… đã giúp cây trồng phát triển tốt hơn, sản phẩm đạt chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
- Chăn nuôi:
+ Hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm để thực hiện xử lý chất thải chăn nuôi bằng hệ thống khí sinh học (hầm Biogas) hoặc xử lý chất thải bằng chế phẩm sinh học (men vi sinh, chăn nuôi trên đệm lót sinh học,…) nhằm đảm bảo vệ sinh chuồng trại, tăng sức đề kháng cho vật nuôi, hạn chế phát sinh ô nhiễm môi trường từ các hoạt động chăn nuôi, đồng thời tận dụng nguồn phân bón hữu cơ làm đệm lót bón cho cây trồng.
+ Hộ nuôi thủy sản thường xuyên và định kỳ sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý, cải thiện chất lượng nước trong ao nuôi tôm nước lợ; sử dụng các chế phẩm sinh học để bổ sung vào thức ăn nuôi tôm.
- Năm 2023 - 2024, Sở KH&CN đã và đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh và cấp cơ sở liên quan như sau:
+ Nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh: 07 nhiệm vụ: Tuyển chọn và phục tráng giống Khoai mỡ; Chọn lọc quần thể giống cải Bẹ xanh (Brassica juncea), cải Ngọt (Brassica integrifolia); Phục tráng và thử nghiệm sản xuất giống lúa Huyết Rồng (Oryza sativa L.); Tuyển chọn và nhân giống cây mai vàng (Ochna integerrima L. Merr); Phục tráng giống lúa Tài Nguyên Chợ Đào Tỉnh Long An; Nghiên cứu và xây dựng quy trình quản lý tổng hợp dịch hại trên cây mít; Nghiên cứu ứng dụng các dòng vi khuẩn Bacillus sp, Pediococcus sp vào xử lý phân gà kiểu bồn đứng thành phân hữu cơ vi sinh bằng công nghệ sấy ngược dòng và phát triển công nghệ”.
Tuyển chọn cây mai đầu dòng tại làng mai Tân Tây
+ Nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở: 05 nhiệm vụ: Thực nghiệm mô hình ương lươn từ bột lên giống và nuôi thương phẩm; Tuyển chọn và phát triển một số giống sen phù hợp; Xây dựng quy trình ứng dụng vi sinh vật nội sinh phòng ngừa bệnh Panama cho vùng chuyên canh cây chuối; Hoàn thiện qui trình sinh sản và ương nuôi một số dòng cá bảy màu (guppy) có giá trị kinh tế cao; Hoàn thiện quy trình canh tác tổng hợp phát triển vùng trồng chuyên canh cây gấc (Momordica cochinchinensis [LOUR] SPRENG).
Nhân giống cây gấc tại TP. Tân An
+ Nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở đưa vào kế hoạch thực hiện năm 2025: 03 nhiệm vụ: Xây dựng quy trình sản xuất phân hữu cơ tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp cho các vùng trồng rau bằng công nghệ ủ hiếu khí; Ứng dụng enzyme trong sản xuất nước uống từ nông sản”; Ứng dụng saponin vào quả thể nhằm nâng cao hoạt chất cordycepin và adenosine trong nuôi cấy nấm đông trùng; Xây dựng quy trình nhân giống vô tính bằng phương pháp giâm cành trên giống mai vàng.
Triển khai mô hình nhân giống sen tại huyện Tân Thạnh
- Triển khai Chính sách hỗ trợ nhân rộng kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021 –2025 được ban hành tại Quyết định số 21/2021/QĐ-UBND ngày 18/6/2021 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 30/3/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh, gồm các nhiệm vụ: Nhân rộng mô hình ứng dụng phân hữu cơ vi sinh cho một số cây ăn trái, cây rau, lúa tại một số huyện trên địa bàn tỉnh; Ương giống và nuôi thương phẩm cá trê vàng, ếch, các rô đầu nhím; xử lý phụ phẩm, phế phẩm, rác thải hữu cơ,… làm phân hữu cơ.
Triển khai mô hình ương giống cá trê vàng tại huyện Đức Huệb) Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y tế
- Triển khai các nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh: Công ty Cổ phần Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Dược liệu Đồng Tháp Mười đã và đang chủ trì thực hiện một số nhiệm vụ:
+ Hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm giống, nguyên liệu và một số sản phẩm từ Tràm gió (Melaleuca cajuputi) và Tràm trà (M. alternifolia) tại Long An và các tỉnh lân cận (Dự án KH&CN cấp Quốc gia do Bộ KH&CN quản lý) nhằm đánh giá hiện trạng phân bố và tiềm năng của cây Tràm gió và Tràm trà ở vùng Đồng Tháp Mười và các vùng lân cận phục vụ cho việc bảo tồn và khai thác nguồn gene hiệu quả có năng suất, hàm lượng và chất lượng tinh dầu cao để đưa vào quy trình và sản xuất thử nghiệm giống và nguyên liệu Tràm gió, Tràm trà từ giống đã chọn.
Triển khai Dự án KH&CN cấp quốc gia về cây tràm tại huyện Mộc Hóa
+ Nhiệm vụ KH&CN ”Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ chiết xuất dầu mù u và sản xuất thử nghiệm sản phẩm làm lành vết thương của cây mù u (calophyllum inophyllum) khu vực Đồng Tháp Mười; Nghiên cứu thu thập, lưu giữ, đánh giá và xây dựng phương án bảo tồn các loài cây dược liệu quý kết hợp du lịch tại vùng Đồng Tháp Mười, Long An(cấp tỉnh); Nghiên cứu xác định một số hoạt chất sinh học có trong cây Đom đóm (Alchornea sp.), thử nghiệm ứng dụng chất chiết xuất của cây trong sản xuất và đời sống (cấp cơ sở).
- Ngành Y tế sử dụng hiệu quả các loại vắc-xin: bệnh bại liệt, uốn ván trẻ sơ sinh, bạch hầu, ho gà, sởi, thuỷ đậu, rubella, quai bị, viêm gan siêu vi B, viêm não nhật bản, bệnh dại, cúm, SAT (huyết thanh kháng độc tố uốn ván), VAT (phòng bệnh uốn ván), phòng ngừa ung thư cổ tử cung….. Sử dụng các men vi khuẩn sống trong điều trị loạn khuẩn đường ruột. Ứng dụng các KIT chẩn đoán và thiết bị sinh hóa máu phục vụ chẩn đoán bệnh kịp thời, triển khai thực hiện các ứng dụng công nghệ sinh học trong các xét nghiệm như: xét nghiệm quy trình HBV đo tải lượng hệ thống tự động; xét nghiệm quy trình Mycobacterium tuberculosis định danh và kháng RMP Xpert.
c) Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực môi trường
Ứng dụng công nghệ kỵ khí, hiếu khí, biogas và chế phẩm E.M để xử lý chất thải, nước thải vào sản xuất, kinh doanh tại cơ sở sản xuất và xử lý nước thải sản xuất nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
d) Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công thương
- Triển khai đến các đơn vị, doanh nghiệp có liên quan đăng ký, đề xuất các chương trình, đề án, nhiệm vụ phát triển công nghệ sinh học theo kế hoạch triển khai của Bộ Công Thương theo Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 22/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển công nghiệp sinh học ngành công thương đến năm 2030”. Hỗ trợ khoảng trên 650 lượt doanh nghiệp tham gia các sự kiện kết nối giao thương với các doanh nghiệp, các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước dưới hình thức trực tiếp, trực tuyến; thường xuyên đăng tin nhu cầu mua, nhu cầu bán của các doanh nghiệp, các thị trường để doanh nghiệp kết nối tìm cơ hội giao thương.
đ) Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh an ninh quốc phòng
Triển khai thực hiện đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đền năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
1.2.3 Xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học
- Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp lồng ghép nội dung đào tạo các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nghiệp đối với nguồn nhân lực công nghệ sinh học vào các chương trình đào tạo cho học sinh, sinh viên các cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp; khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia các cuộc thi nghiên cứu và phát triển sản phẩm từ công nghệ sinh học do các cấp tổ chức.
- Trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 31 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về: kỹ thuật canh tác lúa; kỹ thuật canh tác rau theo tiêu chuẩn VietGap; Giải pháp chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học; công tác gieo sạ, sinh vật gây hại lưu ý trên lúa và cấp mã số vùng trồng; thu gom và tiêu hủy bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, bảo vệ môi trường nông thôn; công tác phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi; phòng, chống dịch bệnh thủy sản và sử dụng chế phẩm sinh học, men vi sinh trong ao nuôi tôm.
- Công tác tập huấn được lồng ghép trong triển khai các nhiệm vụ KH&CN, mỗi nhiệm vụ đều có tổ chức 01 khóa tập huấn với ít nhất 35 lượt tham dự.
- Năm 2023- 2024, tỉnh đã tiếp nhận mới 02 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của nhà đầu tư Trung Quốc và Singapore đầu tư dự án sản xuất các sản phẩm bằng công nghệ sinh học với tổng vốn đầu tư trên 2,6 triệu USD.
- Việc đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức KH&CN trên địa bàn tỉnh trong ứng dụng công nghệ sinh học trên các ngành, lĩnh vực thông qua việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN.
1.2.4 Đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế về công nghệ sinh học
- Thường xuyên gửi thông tin cho các viện, trường, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đề xuất các nhiệm vụ KH&CN năm 2024, 2025 lĩnh vực công nghệ sinh học trong đó chú trọng đến các nhiệm vụ và giải pháp cần triển khai theo yêu cầu Kế hoạch số 1541/KH-UBND ngày 07/6/2023 của UBND tỉnh.
- Phối hợp với các viện, trường trong và ngoài tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trường Đại học Cần Thơ, Đại học Bách Khoa, Đại học Nông lâm, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, Viện Cây ăn quả miền Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hoa, Cây cảnh - Viện Nghiên cứu Rau quả; …
- Tổ chức các hoạt động kết nối thông qua các hội thảo, kết nối cung cầu về định hướng nghiên cứu, ứng dụng các lĩnh vực liên quan đến công nghệ sinh học.
2. Tồn tại, hạn chế
- Việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong đó có công nghệ sinh học vào phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân ở địa phương còn hạn chế, hiệu quả chưa cao.
- Tổ chức bộ máy, nhân sự chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ sinh học ở địa phương còn hạn chế ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả và tính bền vững trong triển khai mô hình ứng dụng công nghệ sinh học.
- Chưa có nhiều sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa các viện, trường, người sản xuất, doanh nghiệp trong các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
- Chi phí đầu tư ban đầu cho các thiết bị, vật tư như: phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học… vẫn còn là một vấn đề lớn đối với những hộ nông dân có quy mô sản xuất nhỏ.
3. Kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ và giải pháp năm 2025 và giai đoạn 2026-2030
Tiếp tục rà soát nhiệm vụ và giải pháp trong Kế hoạch số 1541/KH-UBND ngày 07/6/2023 của UBND tỉnh để xây dựng Kế hoạch triển khai cụ thể, trong đó tập trung các nhiệm vụ sau:
- Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, nhất là thế hệ trẻ về tầm quan trọng của phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường công tác thông tin KH&CN trên Báo, Đài Phát thanh và Truyền hình, đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền, phổ biến tri thức KH&CN.
- Triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ưu tiên thu hút các tập đoàn đa quốc gia đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo; khuyến khích chuyển giao công nghệ và quản trị cho doanh nghiệp.
- Tăng cường liên kết đào tạo nghề nghiệp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh với doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường đại học ngoài tỉnh có đào tạo lĩnh vực công nghệ sinh học để thiết kế chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường lao động trong tỉnh, góp phần đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghệ sinh học.
- Hỗ trợ kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng thương mại điện tử, quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu, phát triển thị trường đối với sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng tiêu biểu, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học được sản xuất trên địa bàn tỉnh giúp phát triển ổn định và bền vững.
- Tăng cường tổ chức các hoạt động tập huấn, đào tạo, hội thảo và chiến dịch truyền thông về lợi ích của công nghệ sinh học để nâng cao nhận thức và sự sẵn sàng của nông dân trong việc áp dụng công nghệ mới; giới thiệu các mô hình ứng dụng hiệu quả đã được triển khai trong và ngoài tỉnh.
- Tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ và khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững trong tình hình mới.
- Tổ chức nhân rộng kết quả của các đề tài, dự án đã được nghiệm thu vào đời sống sản xuất; nghiên cứu ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN về công nghệ sinh học đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh.
- Triển khai ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả công nghệ sinh học vào lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, y tế, bảo vệ môi trường và công nghiệp chế biến, sản xuất để tạo ra được các sản phẩm chủ lực, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và địa phương.
- Vận động doanh nghiệp, tổ chức KH&CN tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học để cải tiến quy trình sản xuất, đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa về công nghệ sinh học.
- Phối hợp các viện, trường, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh; sở, ngành, địa phương, trong việc đề xuất, xây dựng và triển khai các kế hoạch, nhiệm vụ KH&CN nhằm ứng dụng công nghệ sinh học trên các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh./.
Phòng Quản lý Khoa học