KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ NGHIÊN CỨU, PHÁT TRIỂN VÀ ỨNG DỤNG TRÍ TUỆ NHÂN TẠO CỦA TỈNH LONG AN NĂM 2024
I. Kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (TTNT) năm 2024
1. Các văn bản điều hành về ứng dụng TTNT có liên quan
- Quyết định số 2489/QĐ-UBND ngày 22/07/2020 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030;
- Kế hoạch số 264/KH-UBND ngày 24/12/2020 của UBND tỉnh Long An phát triển doanh nghiệp công nghệ số tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030;
- Chương trình số 3288/CTr-UBND ngày 08/10/2021 của UBND tỉnh Long An về việc thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Long An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
- Kế hoạch số 3323/KH-UBND ngày 17/11/2023 Triển khai thi hành Luật Giao dịch điện tử trên địa bàn tỉnh Long An.
- Quyết định số 10688/QĐ-UBND ngày 18/10/2024 của UBND tỉnh về việc ban hành Đề án “Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực, địa phương phục vụ chuyển đổi số tỉnh Long An đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Hội thảo khoa học về ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Long An
2. Xây dựng hạ tầng dữ liệu phục vụ ứng dụng và phát triển TTNT
- Danh mục và hiện trạng các cơ sở dữ liệu nghiệp vụ đã được số hóa, chuẩn
hóa: được quy định chi tiết tại Quyết định số 7361/QĐ-UBND ngày 11/8/2023 của UBND tỉnh, cụ thể:
+ Trung tâm dữ liệu của tỉnh được đầu tư nâng cấp, thiết kế theo mô hình điện toán đám mây dùng riêng (private cloud) phù hợp tiêu chuẩn Trung tâm dữ liệu theo quy định, các trang thiết bị cho phép ảo hóa, tùy biến ở mức cao theo nhu cầu sử dụng thực tế, đảm bảo vận hành các hệ thống, nền tảng số dùng chung phục vụ công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, đảm bảo an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp.
+ Phát triển hạ tầng Internet vạn vật và dịch vụ đô thị thông minh: Tập trung xây dựng và đưa vào vận hành và khai thác các dịch vụ đô thị thông minh của Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) tỉnh, gồm: Ứng dụng “Long An IOC” phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo trên môi trường số; Nền tảng công dân số “Long An Số” cung cấp các dịch vụ số thiết yếu phục vụ cho người dân, doanh nghiệp.
+ Duy trì vận hành, phát huy tốt hiệu quả Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh, đã kết nối, liên thông dữ liệu giữa Bộ ngành với địa phương. Đến nay, đã kết nối, đưa vào khai thác chính thức với 19/23 dịch vụ dữ liệu do Bộ, ngành trung ương chia sẻ, với trên 14 triệu lượt giao dịch dữ liệu trên hệ thống trong năm 2024.
+ Phần mềm, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được quan tâm triển khai thực hiện, cụ thể:
* Ngành Y tế: Tiếp tục khai thác sử dụng phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện được triển khai tại các bệnh viện, trung tâm y tế phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh và quản lý dữ liệu ngành. Triển khai cập nhật dữ liệu cho Hệ thống thông tin quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử. Triển khai kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, triển khai hệ thống thông tin về an toàn thực phẩm theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
* Ngành Giáo dục: Tiếp tục khai thác sử dụng Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo (https://csdl.moet.gov.vn); Hệ thống quản lý thông tin kiểm định chất lượng giáo dục tiểu học tại Sở Giáo dục và Đào tạo, các Phòng Giáo dục và Đào tạo cấp huyện và các trường tiểu học trong toàn tỉnh; Hệ thống quản lý giáo dục (https://qlgd.longan.edu.vn) tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông với 100% trường đã sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử; Phần mềm quản lý Vnedu tại các đơn vị từ Mầm non đến Tiểu học. Duy trì Kho học liệu ngành Giáo dục tỉnh (https://khohoclieu.longan.edu.vn) với trên 10.700 bài giảng E-learning các cấp học được cập nhật trên hệ thống; thiết lập kênh Youtube Giáo dục Long An với trên 900 bài giảng phục vụ học sinh, giáo viên.
* Ngành Khoa học và Công nghệ: Tiếp tục cập nhật và khai thác cơ sở dữ liệu ngành khoa học và công nghệ: Phần mềm ISO điện tử: TBT Long An; Hệ thống quản lý đề tài dự án; CSDL về các tổ chức, doanh nghiệp KH&CN; Cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp xăng dầu; Hệ thống truy xuất nguồn gốc. Triển khai Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến (https://techport.longan.vn) nhằm tạo môi trường giao dịch, tìm kiếm đối tác thuận lợi trên mạng Internet cho các bên cung - cầu công nghệ.
* Ngành Nông nghiệp: Triển khai thực hiện số hóa dữ liệu quản lý chuyên ngành bằng việc sử dụng khoảng 20 phần mềm quản lý dữ liệu chuyên ngành quản lý về số liệu phục vụ công tác quản lý, chuyên môn trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi phục vụ quá trình chuyển đổi số ngành Nông nghiệp, Hệ thống thông tin nông nghiệp ứng dụng công nghệ WebGIS mã nguồn mở. Ngoài ra còn sử dụng phần mềm dịch vụ công kho bạc, Dịch vụ công bảo hiểm xã hội, Phần mềm thuế điện tử, hộp thư điện tử công vụ, ...
* Các phần mềm chuyên ngành khác tiếp tục được khai thác phục vụ tác nghiệp, quản lý dữ liệu, tiêu biểu: Phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức; phần mềm Quản lý đất đai; Tra cứu thông tin quy hoạch đến từng thửa đất; Quản lý doanh nghiệp; Chương trình Quản lý ngân sách và kho bạc TABMIS; Chương trình trao đổi thông tin Thuế - Hải quan - Kho bạc Nhà nước - Tài chính; Dịch vụ khai thuế, nộp thuế điện tử; Dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước; Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; Quản lý cấp đổi giấy phép lái xe; ISO điện tử; Hệ thống quản lý hồ sơ hoạt động công chứng; Đăng ký và quản lý hộ tịch; Quản lý lý lịch tư pháp dùng chung; Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo; Cơ sở dữ liệu ngành Nông nghiệp; Cơ sở dữ liệu Khu kinh tế; Phần mềm quản lý tuyển sinh, tốt nghiệp, việc làm nghề nghiệp; Hệ thống cơ sở dữ liệu giáo dục nghề nghiệp.
Quang cảnh Hội thảo về ứng dụng trí tuệ nhân tạo
3. Tình hình triển khai ứng dụng TTNT
- Các ứng dụng TTNT đã và đang vận hành:
+ Hệ thống chiếu sáng thông minh tại thành phố Tân An: Quản lý chiếu sáng đô thị, cho phép tự động bật tắt, phát hiện vị trí đèn bị hư hỏng. Giúp tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí quản lý, bảo hành, bảo trì hệ thống đèn chiếu sáng.
+ Hệ thống camera giám sát an ninh, giao thông: Quản lý an ninh trật tự, an toàn giao thông (nhận diện khuôn mặt, phát hiện đám đông, nhận diện biển số xe, đếm lưu lượng giao thông,...) tại TP Tân An và các của ngõ trọng yếu của tỉnh. Giúp đảm bảo an ninh trật tự, hỗ trợ trích xuất thông tin phục vụ điều tra; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người dân trên địa bàn tỉnh.
+ Trợ lý ảo hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến: Cho phép hỗ trợ, hướng dẫn người sử dụng các vấn đề liên quan đến dịch vụ công tối thiểu thông qua hình thức tin nhắn (Chatbot).
+ Ứng dụng TTNT để gọi tên khách hàng trong giải quyết thủ tục hành chính và quét vân tay để trả kết quả hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên phần mềm Một cửa điện tử.
+ Triển khai thực hiện “Mô hình Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu”; Ứng dụng công nghệ san phẳng mặt ruộng bằng công nghệ laser; Ứng dụng thiết bị bay không người lái trong phun thuốc BVTV, sạ giống. Giám sát, dự tính, dự báo sâu rầy qua việc lắp đặt 09 hệ thống giám sát sâu rầy thông minh; hệ thống cập nhật số liệu và theo dõi mức độ côn trùng (đặc biệt là rầy nâu).
+ Thực hiện mô hình trình diễn "Nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0", sử dụng smartphone trong quản lý các nguồn thiết bị điện (máy quạt, máy sục khí, máy cho ăn) trong ao nuôi tôm tại huyện Cần Đước và Tân Trụ.
+ Ứng dụng công nghệ số để thực hiện quan trắc tự động, theo dõi giám sát tự động mực nước, độ mặn, hiện tại đang thực hiện theo dõi quản lý 35 trạm đo mực nước tự động và 13 trạm đo mặn tự động trên các tuyến sông, kênh chính, các kênh thuộc hệ thống khu tưới Đức Hòa - dự án thủy lợi Phước Hòa để phục vụ cho công tác giám sát, dự báo tình hình mực nước độ mặn, phục vụ công tác quản lý vận hành hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
- Triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ công nghệ có liên quan đến ứng dụng TTNT trong các ngành, lĩnh vực. Cụ thể:
+ Nhiệm vụ “Tuyển chọn, nhân giống cây mai vàng (Ochna integerrima L. Merr) và ứng dụng IoT để quản lý kỹ thuật sản xuất trên địa bàn tỉnh Long An” nhằm nghiên cứu tuyển chọn giống đầu dòng, xây dựng quy trình nhân giống, quy trình sản xuất mai vàng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển bền vững cây mai vàng trên địa bàn tỉnh Long An. Trong đó, ứng dụng IoT trong nghiên cứu quy trình nhân giống; quy trình trồng chăm sóc, điều khiển nở theo ý muốn cho cây mai.
+ Nhiệm vụ “Ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý và khai thác hệ thống giao thông cấp huyện trên địa bàn tỉnh Long An” với mục tiêu xây dựng phần mềm, hệ thống cơ sở dữ liệu về giao thông vận tải và các ngành liên quan, bao gồm mạng lưới tuyến đường, cầu, đập, sông kênh, các điểm giao thông chính; các cơ sở công - nông nghiệp và dịch vụ nông thôn,…; đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp phát triển hệ thống giao thông vận tải trên địa bàn huyện Tân Trụ: bao gồm cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở hạ tầng giao thông vận tải; phát triển nhân lực; cải thiện quy trình quản lý và giám sát nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và vận tải hàng hóa.
+ Nhiệm vụ “Nghiên cứu đề xuất giải pháp xây dựng và phát triển hình ảnh điểm đến du lịch thông minh để thu hút khách du lịch nội địa tại tỉnh Long An” với mục tiêu đề xuất giải pháp xây dựng và phát triển hình ảnh điểm đến du lịch thông minh, góp phần nâng cao hiệu quả các dịch vụ hiện có, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, hỗ trợ địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch phát triển dịch vụ theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp nhằm tạo dựng một hình ảnh điểm đến du lịch thông minh của tỉnh Long An đảm bảo sức cạnh tranh và thu hút du khách. Trong đó, xây dựng 01 sản phẩm du lịch ứng dụng công nghệ tiên tiến như AR/VR (thực tế ảo và thực tế tăng cường) cho nhóm sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh (từ 3 đến 4 điểm du lịch đặc trưng).
Các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo
II. Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo năm 2025
1. Tiếp tục xây dựng hạ tầng dữ liệu và tính toán cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT
Xây dựng cơ chế chia sẻ dữ liệu theo nguyên tắc các bên cùng có lợi, tạo động lực để chia sẻ, đồng thời bảo đảm được phân quyền truy cập dữ liệu, tránh để lộ, lọt thông tin dữ liệu có tính riêng tư của cá nhân hay tổ chức. Thúc đẩy chia sẻ dữ liệu phục vụ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT; hình thành các cơ sở dữ liệu dùng chung, chia sẻ, mở để nghiên cứu, phát triển các ứng dụng TTNT.
2. Phát triển hệ sinh thái TTNT
- Triển khai nghiên cứu và phát triển: Tập trung đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng và phát triển một số sản phẩm TTNT phục vụ thị trường và nhu cầu trên địa bàn tỉnh; khuyến khích ứng dụng TTNT để nâng cao hiệu quả đầu ra của các hoạt động nghiên cứu, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
- Phát triển nguồn nhân lực: Triển khai phổ cập kỹ năng cơ bản về ứng dụng TTNT và khoa học dữ liệu nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho thanh thiếu niên. Thúc đẩy triển khai các hình thức đào tạo chứng chỉ ngắn hạn và trung hạn về TTNT cho sinh viên các trường cao đẳng, cho người lao động có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp.
- Thu hút các nguồn lực, các doanh nghiệp trong và ngoài nước xây dựng các trung tâm đào tạo, phát triển ứng dụng TTNT và khoa học dữ liệu trên địa bàn tỉnh.
3. Thúc đẩy ứng dụng TTNT
- Ứng dụng TTNT trong quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực kinh tế - xã hội, khuyến khích ứng dụng và phát triển một số sản phẩm TTNT đặc thù. Thúc đẩy các sở, ngành tỉnh và địa phương sử dụng các ứng dụng, dịch vụ TTNT nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trong phân phối, sử dụng nguồn lực xã hội, nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, quản lý đô thị.
- Phát triển doanh nghiệp ứng dụng TTNT: Khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai, phát triển và ứng dụng TTNT đối với các lĩnh vực đã sẵn sàng về dữ liệu, công nghệ và kinh phí đầu tư. Khuyến khích, đẩy mạnh triển khai các nền tảng phần mềm và ứng dụng mở về TTNT sẵn có.
- Nâng cao năng lực, trình độ, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, doanh nghiệp, người dân về dữ liệu và ứng dụng TTNT.
4. Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TTNT
- Kết nối, thúc đẩy các dự án hợp tác chuyển giao công nghệ, khai thác các sáng chế, quyền sở hữu công nghiệp giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với các doanh nghiệp nước ngoài về TTNT.
- Tham gia các hội, hiệp hội quốc tế và tổ chức khác về phát triển ứng dụng TTNT.
GĐ Sở KH&CN Long An tặng hoa chúc mừng các diễn giả về TTNT
III. Kiến nghị và đề xuất
1. Kiến nghị chung để triển khai hiệu quả Chiến lược TTNT
- Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành Đề án chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và PTNT nhằm triển khai thực hiện đồng bộ từ trung ương đến địa phương; đồng thời nghiên cứu xây dựng nền tảng phục vụ số hoá dùng chung cho khu vực ĐBSCL nhằm giảm chi phí đầu tư cho các địa phương, giúp chia sẻ số liệu để các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước và định hướng phát triển Ngành phù hợp với điều kiện của từng địa phương, kết nối các chủ thể một cách nhanh chóng.
- Tổ chức các chuỗi sự kiện, các lớp đào tạo, tập huấn nền tảng mở về dữ liệu và ứng dụng TTNT.
2. Kiến nghị một số vấn đề khoa học và công nghệ cần giải quyết liên quan đến việc triển khai Chiến lược TTNT
- Xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ có liên quan tới TTNT.
- Có cơ chế, chính sách ưu đãi các dự án đầu tư hoạt động ứng dụng, phát triển TNTT để góp phần thúc đẩy, thu hút các nguồn lực, các doanh nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ, tham mưu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TNTT.
- Cần ban hành các quy định về chế độ ngân sách, đấu thầu để thúc đẩy phát triển, triển khai ứng dụng TTNT./.
Phòng quản lý khoa học