HỘI THẢO KHOA HỌC “GIỚI THIỆU MÔ HÌNH NUÔI THƯƠNG PHẨM CÁ MĂNG SỮA (CHANOS CHANOS) THÂM CANH TRONG AO NUÔI TÔM TẠI HUYỆN CẦN ĐƯỚC, LONG AN”
03/03/2025
Lượt xem: 75
Ngày 28/02/2025, tại Đại lý tôm giống Huỳnh Phương (ấp Đông Trung, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước, tỉnh Long An), Trường Đại học Tiền Giang (đơn vị chủ trì) phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cần Đước (cơ quan quản lý tại địa phương) tổ chức Hội thảo khoa học đánh giá kết quả thực hiện đề tài “Thử nghiệm mô hình nuôi thương phẩm cá măng sữa (chanos chanos) thâm canh trong ao nuôi tôm tại huyện cần đước, Long An” thuộc đề tài cấp cơ sở do Sở Khoa học và Công nghệ quản lý.
Tham dự và chủ trì hội thảo có TS. Cao Nguyên Thi – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang; TS. Trương Khắc Hiếu – chủ nhiệm nhiệm vụ; KS. Nguyễn Thị Cẩm Vân – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cần Đước – đồng chủ nhiệm nhiệm vụ (đơn vị chủ trì); Bà Trần Thị Thanh Thúy – Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An – đại diện cơ quản quản lý nhiệm vụ; Ông Huỳnh Thanh Phương – Chủ Đại lý Tôm giống Huỳnh Phương và hơn 40 đại biểu tham dự đến từ Hợp tác xã và các hộ dân nuôi thủy sản trong khu vực.
Quang cảnh Hội thảo
TS. Trương Khắc Hiếu - chủ nhiệm nhiệm vụ trình bày kết quả xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá Măng sữa thâm canh trong ao nuôi tôm phù hợp trên địa bàn huyện Cần Đước, Long An tại Hội thảo để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, chính quyền địa phương, các hộ dân có quan tâm cũng như đơn vị dự kiến ứng dụng kết quả nghiên cứu.
TS. Trương Khắc Hiếu – chủ nhiệm nhiệm vụ trình bày kết quả triển khai mô hình
Mô hình nuôi thâm canh cá măng sữa được thực hiện trên cơ sở luân canh với nuôi tôm thẻ chân trắng, vì vậy sẽ hạn chế tình trạng dịch bệnh trên tôm. Mô hình này bền vững hơn về khía cạnh môi trường so với thâm canh hoàn toàn tôm, đa dạng hóa nuôi các đối tượng thủy sản, giảm rủi ro và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Tham quan thực tế tại ao nuôi thử nghiệm
Sau 8 tháng nuôi, tỉ lệ sống đạt 80%, trọng lượng trung bình cá măng sữa khi thu hoạch khoảng 700 g/con, hiện có cơ sở thu mua với giá trung bình 65.000 đồng/kg.
Cá măng sữa sau 8 tháng nuôi
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn, và các hộ dân tham dự Hội thảo. Các ý kiến tập trung vào nguồn giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật nuôi, chăm sóc và đầu ra để đạt được mục đích mang lại hiệu quả thiết thực. Kết quả thành công của đề tài cần được cải tiến và nhân rộng để người dân quan tâm có thể ứng dụng.
KS. Nguyễn Thị Cẩm Vân - đồng chủ nhiệm nhiệm vụ hướng dẫn kỹ thuật nuôi và giải đáp các ý kiến của người dân. Kết quả của nghiên cứu này có khả năng ứng dụng vào thực tế sản xuất của người nuôi tôm vùng Hạ rất cao bởi vì môi trường nuôi sẽ không bị suy thoái do nuôi luân phiên 1 vụ cá măng sữa và 1 vụ tôm. Mô hình dễ thực hiện, dễ quản lý và giúp cải thiện kinh tế của người dân.
KS. Nguyễn Thị Cẩm Vân – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Cần Đước - đồng chủ nhiệm nhiệm vụ giải đáp thắc mắc của người dân
Đại diện các cơ quan chụp lưu niệm cùng Ban chủ nhiệm nhiệm vụ
Cá măng sữa (Chanos chanos), còn được gọi là cá măng biển, cá măng chua, đây loài cá có giá trị kinh tế và dinh dưỡng cao. Kết quả triển khai mô hình nuôi thử nghiệm góp phần đa dạng hoá đối tượng nuôi và cải thiện môi trường nuôi thông qua hoạt động sản xuất 1 vụ tôm + 1 vụ cá măng sữa thay vì nhiều vụ tôm thâm canh liên tiếp trong năm./.
Trần Thị Thanh Thúy