Xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei, Boone 1931) ứng dụng công nghệ 4.0 tại huyện Tân Trụ, tỉnh Long An
Ngày 19 tháng 5 năm 2021 tại Sở Khoa học và Công nghệ, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị xét duyệt thuyết minh đề tài cấp cơ sở: Xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei, Boone 1931) ứng dụng công nghệ 4.0 tại huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. ThS. Lê Quốc Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng chủ trì hội nghị.

Đề tài "Xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei, Boone 1931) ứng dụng công nghệ 4.0 tại huyện Tân Trụ, tỉnh Long An" do KS Lê Văn Khoa hiện đang công tác tại Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin Khoa học & Công nghệ (đơn vị trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An) làm chủ nhiệm cùng đơn vị phối hợp là Công ty TNHH sản xuất & thương mại Anh Tuấn. Thời gian thực hiện từ tháng 6/2021 đến tháng 5/2022 tại huyện Tân Trụ.

Ban chủ nhiệm trình bày thuyết minh đề tài
Theo đó, mục tiêu của đề tài là: Xây dựng 2 mô hình nuôi tôm thẻ ứng dụng công nghệ 4.0 và ứng dụng các thiết bị mang tính công nghệ cao vào mô hình nhằm giảm thiểu rủi ro dịch bệnh cho người nuôi.
Cụ thể, xây dựng 2 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) thâm canh ứng dụng công nghệ cao ba giai đoạn trong bể tròn lót bạt, ao đất lót bạt đáy và ao đất lót bạt bờ đáy cát có sử dụng máy tạo Oxy, Ozon diệt khuẩn, máy quang trắc và đĩa kiểm tra vi sinh. Tổng diện tích của mỗi mô hình là 7.000 m2/2 - 3 vụ nuôi và 1 mô hình với tổng diện tích là 7.000 m2/2 - 3 vụ nuôi theo kiểu 1 giai đoạn, có lót bạt bờ và hố xi phong chất thải.

Hệ thống quạt nước, Oxy đáy
Đề tài sử dụng kỹ thuật thừa kế và ứng dụng các kết quả nghiên cứu của Khoa Thủy sản - Trường Đại học Cần Thơ, kết quả nghiên cứu nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) theo kiểu 3 giai đoạn của Công Ty TNHH sản xuất và thương mại Anh Tuấn, kết quả nghiên cứu ứng dụng các thiết bị công nghệ cao như: Máy quang trắc môi trường nước, máy cho tôm ăn ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thiết bị cân, đo trọng lượng tôm tự động, máy tạo oxy tinh khiết vào trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng của Công ty cổ phần RyNan Technologies Việt Nam với các ưu điểm nổi bậc như: thời gian nuôi mỗi giai đoạn ngắn, môi trường nước ao nuôi luôn sạch, giảm rủi ro về dịch bệnh làm số vụ nuôi trong năm tăng lên, giảm công lao động, kích cỡ tôm lớn, năng suất và lợi nhuận của người nuôi tăng.
Dự kiến sản phẩm đề tài sẽ tạo ra được nguồn tôm thương phẩm sạch đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, tỷ lệ sống đạt 70 - 80%, kích cỡ tôm thương phẩm 30 - 50 con/kg, năng suất tôm nuôi 1,2 - 2 tấn/1000 m2/vụ. Lượng tôm thương phẩm thu được từ đề tài sẽ được bàn giao cho người nuôi bán để trả lại nguồn vốn đối ứng và tăng thu nhập cho các hộ tham gia mô hình trong các tổ kinh tế hợp tác. Toàn bộ các thiết bị máy móc, thiết bị mua sắm trong đề tài sẽ được bàn giao cho các tổ kinh tế hợp tác để tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình.
Tại buổi xét duyệt, các thành viên trong Hội đồng đánh giá cao sự cần thiết, tính mới, tính hiệu quả của đề tài. ThS. Lê Quốc Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng yêu cầu chủ nhiệm đề tài và cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện thuyết minh theo các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng. Căn cứ vào kết quả đánh giá, Hội đồng khoa học và công nghệ đánh giá đơn vị đủ năng lực và nhất trí cho triển khai thực hiện.

Hội đồng xét duyệt thuyết minh đề tài
Được biết, hiện nay tại
tỉnh Long An, tôm thẻ chân trắng là đối tượng nuôi chủ lực của các huyện vùng hạ
bao gồm: Châu Thành, Tân Trụ, Cần Giuộc, Cần Đước do dễ nuôi, thời gian sinh
trưởng ngắn, năng suất cao và thị trường tiêu thụ rộng cùng một số huyện nuôi tự
phát ở vùng Đồng Tháp Mười là Tân Hưng, Kiến Tường, Mộc Hóa, Tân Thạnh nhưng sản
lượng không đáng kể. Đa số các hộ dân nuôi theo kiểu truyền thống cho năng suất
và lợi nhuận còn thấp tìm ẩn nhiều rủi ro bệnh dịch.

Tôm thẻ chân trắng
Bên cạnh đó, một số hộ dân đã mạnh dạn đầu tư nuôi tôm thẻ theo kiểu ứng dụng một phần công nghệ cao (như si-phông đáy ao, nuôi nhiều cấp, tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học xử lý môi trường, máy biến tần, máy cho ăn, ...) mang lại hiệu quả tốt, môi trường ổn định, tôm thương phẩm đạt cỡ lớn, giúp người nuôi tiết kiệm chi phí, giảm công lao động, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế khá trong điều kiện giá tôm thương phẩm bấp bênh, có lúc giảm sâu bằng hoặc thấp hơn giá thành. Những lợi ích đó đã kích thích người dân đẩy mạnh thực hiện và bước đầu đã đạt được kết quả khả quan, năng suất tôm nuôi cao gấp 4 đến 5 lần so với các mô hình nuôi theo kiểu truyền thống./.
Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin KH&CN-ĐN