Thực nghiệm mô hình ương lươn (Monopterus albus) từ bột lên giống và nuôi thương phẩm tại vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An
Ngày 19 tháng 5 năm 2021 tại Sở Khoa học và Công nghệ, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị xét duyệt thuyết minh đề tài cấp cơ sở: Thực nghiệm mô hình ương lươn (Monopterus albus) từ bột lên giống và nuôi thương phẩm tại vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An. ThS. Lê Quốc Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng chủ trì hội nghị.
Ban chủ nhiệm đề tài thuyết trình tại hội nghị
Đề tài "Thực nghiệm mô hình ương lươn (Monopterus albus) từ bột lên giống và nuôi thương phẩm tại vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An" do KS Phạm Thanh Dung hiện đang công tác tại Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin Khoa học & Công nghệ (đơn vị trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An) làm chủ nhiệm. Thời gian thực hiện từ tháng 3/2021 đến tháng 3/2023 tại Trạm Nghiên cứu Ứng dụng khoa học công nghệ Đồng Tháp Mười, xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường và huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An.
Theo đó, mục tiêu của đề tài là: Thực nghiệm xây dựng mô hình ương và nuôi thương phẩm lươn đồng qui mô nông hộ; chủ động sản xuất được nguồn giống nhân tạo, chất lượng tốt cung cấp cho các mô hình nuôi lươn thương phẩm tại vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An.
Cụ thể, đề tài sẽ xây dựng mô hình ương lươn từ bột lên giống theo hệ thống lọc sinh học tuần hoàn qui mô nông hộ. Tỷ lệ ương lươn bột lên lươn giống đạt 40 – 50%, chiều dài lươn giống đạt 12 – 15 cm. Thực nghiệm xây dựng mô hình nuôi lươn thương phẩm tại 3 hộ dân huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An.
Nội dung nghiên cứu đề tài gồm 3 nội dung:
Thứ nhất: Kỹ thuật ương lươn từ bột lên giống; thiết kế xây dựng trại ương lươn giống, lắp đặt hệ thống lọc tuần hoàn nước gắn với hệ thống khay ương lươn.

Hệ thống lọc với giá thể chuyển động

Hệ thống khay ương lươn trong hệ thống lọc tuần hoàn nước
Thứ hai: Kỹ thuật nuôi lươn thương phẩm; thiết kế xây dựng trại nuôi lươn thương phẩm, lắp đặt hệ thống lọc tuần hoàn nước, xây dựng các bể nuôi lươn.
Thứ ba: Theo dõi các chỉ tiêu thủy lý hóa trong quá trình ương lươn giống và nuôi lươn thương phẩm.
Các yếu tố về chất lượng nước thích hợp nuôi lươn thương phẩm
Qua phần thuyết trình của Ban chủ nhiệm đề tài cho thấy được đề tài có nhiều tính mới, tính độc đáo, tính sáng tạo. Việc thử nghiệm sản xuất giống và nuôi thương phẩm lươn đồng mở ra một hướng đi mới, giúp cho các hộ dân vùng Đồng Tháp Mười có thêm một chủng loại vật nuôi mới để lựa chọn nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn; đề tài này sẽ ứng dụng công nghệ tiên tiến để chủ động tạo ra con giống nhân tạo đồng loạt tại chỗ, chất lượng tốt, có ý nghĩa đặc biệt trong việc duy trì nòi giống, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ngày càng suy kiệt như hiện nay; bổ sung hệ thống lọc sinh học tuần hoàn nước trong ương giống lươn đồng là một giải pháp nhằm tiết kiệm nguồn nước ngọt, ổn định một số chỉ tiêu môi trường nước trong thời gian ương, đặc biệt là nguồn nước thải ra không gây ô nhiễm cho môi trường xung quanh, hạn chế dịch bệnh, hạn chế sử dụng thuốc và hóa chất, chất lượng lươn giống được cải thiện.
Dự kiến sản phẩm đề tài sẽ tạo ra được 8.000-10.000 con lươn giống có chiều dài khoảng 12-15 cm/con; 1.500 kg lươn thương phẩm (150g-200g/con); 02 hệ thống ương lươn có thể tích 2-3m3/hệ thống; 01 trại ương lươn giống có diện tích 30m2; xây dựng được quy trình kỹ thuật ương và nuôi thương phẩm lươn đồng có tính ứng dụng cao và hiệu quả trong thực tiễn, dễ hiểu, dễ áp dụng; đăng trên website của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An 01 bài báo cáo khoa học "Tài liệu kỹ thuật ương và nuôi thương phẩm lươn đồng tại vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An" với các số liệu thu được từ kết quả thực hiện đề tài.
Phương án chuyển giao, xử lý sản phẩm theo quy định của nghị định/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước. Quy trình ương và nuôi thương phẩm lươn đồng trong hệ thống lọc sinh học tuần hoàn khép kín sẽ bàn giao cho đơn vị chủ trì sử dụng để tập huấn, hội thảo, nhân rộng mô hình cho nông dân vùng Đồng Tháp Mười; lươn thương phẩm thu được từ việc thực hiện đề tài sẽ bàn giao cho 3 hộ dân huyện Thạnh Hóa bán trả lại nguồn vốn đối ứng của nông hộ.
Tại buổi xét duyệt, các thành viên trong Hội đồng đánh giá cao sự cần thiết, tính mới, tính hiệu quả của đề tài. ThS. Lê Quốc Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng yêu cầu chủ nhiệm đề tài và cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện thuyết minh theo các ý kiến đóng góp của các thành viên Hội đồng. Căn cứ vào kết quả đánh giá, Hội đồng khoa học và công nghệ đánh giá đơn vị đủ năng lực và nhất trí cho triển khai thực hiện.

Hội đồng xét duyệt đề tài
Được biết, lươn rất thích hợp điều kiện tự nhiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Long An nói riêng. Nuôi lươn không tốn nhiều chi phí, tùy theo điều kiện kinh tế của từng hộ gia đình mà có qui mô nuôi lớn hay nhỏ. Người nuôi có thể tận dụng diện tích nhỏ quanh nhà thả nuôi. Thức ăn cho chúng cũng dễ tìm và công chăm sóc cũng nhẹ. Vì vậy, nghề nuôi lươn thích hợp với nhiều đối tượng gia đình, nhất là đối với bà con nông thôn vùng Đồng Tháp Mười tận dụng thời gian nhàn rỗi để cải thiện cuộc sống gia đình. Đặc biệt là các trại sản xuất giống thuỷ sản hoàn toàn có thể áp dụng kết quả nghiên cứu của đề tài.
Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin KH&CN-ĐN