Nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học “Đánh giá khả năng sinh trưởng của trâu lai F1 được tạo ra giữa trâu cái địa phương và trâu đực Murrah bằng phương pháp gieo tinh nhân tạo”
Hiện nay, đàn trâu nước ta đang có xu hướng giảm sút về số lượng và chất lượng do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó cũng có nguyên nhân là do một phần của chọn lọc ngược: vì ở nhiều vùng trâu đực, trâu cái to bị bán đi giết thịt, trâu đực nhỏ giữ lại sử dụng làm giống.
Đặc điểm chung của trâu nội ở các địa phương nước ta là tầm vóc nhỏ, sinh trưởng chậm (khả năng tăng trọng thấp) và thành thục muộn. Trâu Việt Nam có khối lượng trưởng thành nhỏ: trâu đực 400-450 kg/con trâu cái 330-350 kg/con và tỷ lệ thịt xẻ 43-45%. Do chăn nuôi đặc biệt là công tác giống hầu như chưa được quan tâm đúng mức nên tầm vóc trâu có xu hướng giảm: Số liệu điều tra từ năm 1985 đến năm 2000 cho thấy tầm vóc của trâu đực đã giảm 11,3%: từ 476 kg/con xuống còn 422,3 kg/con và trâu cái giảm 14,6%: từ 406 kg/con xuống còn 346,5 kg/con. Đây là vấn đề rất đáng báo động về tình trạng suy thoái giống trâu Việt Nam (Cục Chăn nuôi, 2010).
Trên thế giới, những nghiên cứu về trâu, đặc biệt là lĩnh vực sinh sản trên trâu có được sự quan tâm và đã đạt được những thành tựu vượt bậc. Tuy nhiên, ở Việt Nam nói chung và tỉnh Long An nói riêng, việc này vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện nay, tình hình chăn nuôi trâu ở Long An đang dần khôi phục sau thời gian giảm mạnh trong nhiều thập niên qua. Vì thế, chăn nuôi trâu với mục đích sinh sản và lấy thịt cần cải tiến dần từ việc chọn lọc con giống, quản lý đực giống, cải thiện chế độ nuôi dưỡng và quy mô chăn là một hướng mới cần được nghiên cứu đối với khu vực Đức Huệ - Long An nói riêng và cả khu vực phía Nam nói chung.
Đề tài "Đánh giá khả năng sinh trưởng của trâu lai F1 được tạo ra giữa trâu cái địa phương và trâu đực Murrah bằng phương pháp gieo tinh nhân tạo" được triển khai với giả thuyết khoa học của đề tài là lai tạo trâu nội với giống trâu Murrah có hiệu quả kinh tế và phù hợp với khu vực Long An.
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá một số chỉ tiêu sinh sản của trâu cái địa phương khi được gieo tinh nhân tạo với tinh trâu Murrah và khả năng sinh trưởng của trâu lai F1 trong điều kiện chăn nuôi nông hộ.
Thí nghiệm được thực hiện trên 50 trâu cái bản địa đang ở lứa đẻ từ 1 đến 4 có khối lượng trong khoảng 400-500kg. Trâu cái được gây động dục đồng loạt bằng phương pháp đặt vòng CIRD vào tử cung kết hợp sử dụng hooc-môn PGF2α và GnRH. Sau đó trâu cái bản địa được theo dõi động dục để tiến hành gieo tinh nhân tạo với tinh trâu Murrah. Trâu lai F1 sinh ra từ trâu cái bản địa được theo dõi để đánh giá ngoại hình và khả năng sinh trưởng đến 12 tháng tuổi. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ đáp ứng động dục sau khi xử lý kích dục tố của trâu cái bản địa là 80% tỷ lệ đậu thai sau 3 lần gieo tinh đạt 65,0% và các chỉ tiêu khác như thời gian mang thai, tỷ lệ đẻ khó và tỷ lệ đực/cái nằm trong ngưỡng sinh lý bình thường của trâu.
Trâu lai F1 của cái bản địa được phối tinh Murrah mang lại những kết quả tích cực về tầm vóc và thể trạng. Trâu lai F1 lúc 12 tháng tuổi đạt được khối lượng 331kg và TKL là 810g/con/ngày. Các số đo của trâu F1 lúc 12 tháng tuổi: vòng ngực 163,7cm, dài thân chéo 112,9cm, cao vây 105,6cm cho thấy tiềm năng phát triển hướng thịt của trâu lai.
Qua kết quả thí nghiệm cho thấy việc xử lý kích dục tố góp phần tăng khả năng động dục của trâu cái và trâu lai F1 có khả năng sinh trưởng tốt ở điều kiện chăn nuôi nông hộ tại tỉnh Long An.

Hội đồng khoa học nghiệm thu đề tài
Trâu lai con F1 của cái bản địa phối tinh Murrah (18 tháng và 9 tháng tuổi)
Kết quả nghiệm thu đề tài được Hội đồng Khoa học tỉnh thông qua ngày 01/10/2021 và đánh giá đạt, có khả năng ứng dụng thực tế.
TH. P.QLKH