Tham dự và chủ trì buổi thử nghiệm là PGS.TS. Nguyễn Tấn Tiến – Phòng thí nghiệm trọng điểm điều khiển số và kỹ thuật hệ thống - Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, chủ nhiệm nhiệm vụ, Ông Nguyễn Minh Hải – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An, Ông Lê Quốc Dũng – nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ và hơn 20 đại biểu tham dự đến từ đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp dự kiến ứng dụng kết quả, chính quyền địa phương,..
Quang cảnh buổi thử nghiệm
PGS.TS. Nguyễn Tấn Tiến và Ông Lê Quốc Dũng
PGS.TS. Nguyễn Tấn Tiến – Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, chủ nhiệm đề tài trình bày quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp nhà nước, đến nay đã đạt được kết quả ban đầu, báo cáo tại buổi thử nghiệm để ghi nhận kết quả ban đầu và lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, doanh nghiệp dự kiến ứng dụng kết quả nghiên cứu và chính quyền địa phương.
Thử nghiệm cơ cấu thu gom lục bình
Theo thiết kế, Tổ hợp trục vớt lục bình do ĐH Bách khoa chế tạo có công suất thiết kế 8.000 ÷10.000 m2/h, năng suất khối lượng 150÷200 T/h, tốc độ công tác 3-5 km/h, tốc độ di chuyển 12÷15 km/h, thời gian làm việc 01 ca/ngày (02 ca/ngày theo nhu cầu), công nhân phục vụ 1-2 người.
Đánh giá quá trình thử nghiệm thực tế trên kênh rạch có kết quả như sau: Thiết bị được thử nghiệm tại nhiều điểm trong kênh với mực nước khác nhau và thời gian khác nhau trong cùng ngày; Thiết bị băm phá khi chạy thử nghiệm máy được chỉnh 70% công suất, có đoạn phải sử dụng 100% công suất, năng suất theo tính toán: 20.000-30.000 m2/giờ; Độ ổn định khi phá ban đầu chưa đạt, sau khi thực hiện tính toán và tăng cứng đạt được yêu cầu. Hiện nay, nhóm đang triển khai thực hiện đo độ rung của khung dao để đối chiếu với lý thuyết nhằm tối ưu vận hành thiết bị; Khi thực hiện thử nghiệm thì Máy phá đạt được yêu cầu phá tảng lục bình đặc kết khối theo cách vận hành như gia công cắt kim loại, với các vật như tre khô, gốc dừa, trái dừa, rác thì hệ dao cắt xoắn sẽ thoát liệu và các vật cản không làm nên cài làm dừng dao. Biên dạng lưỡi cắt dạng xoắn, sắp xếp đối xứng tạo hướng dòng chảy sang hai bên; Truyền động đẩy bẳng chân vịt, khả năng tự hành, hổ trợ lực cho quá trình phá đặc biệt là phá tản đánh giá là phù hợp với điều kiện thực tiễn; Kế thừa các nghiên cứu về vỏ tàu và hệ thống lực đẩy cải tiến theo điều kiện kênh rạch do Công ty Nguyên Hồng đề xuất giúp thiết bị di chuyển xoay trở trong kênh được thuận lợi với ngay cả điều kiện chiều sâu mực nước có khi xuống gần 1m; Thiết kế tàu phù hợp di chuyển bằng đường thuỷ để tự hành và đó là lợi thế trong điều kiện hạ tầng đường bộ không phù hợp cho việc vận chuyển phương tiện khi đi trên bộ rồi hạ thuỷ; Thực trạng hiện nay là thiếu các thiết bị chuyên dùng để phục vụ công tác trục vớt cũng như tính sẵn sàng của các thiết bị khi đưa vào thực tiễn công việc có tính quyết định về hiệu quả xử lý vấn nạn lục bình; Thiết bị xử lý lục bình phải là thiết bị có khả năng tự hành cao, cơ giới hoá được quá trình thu gom, xay nhỏ và chuyển lên bờ sao cho đảm bảo ít tác động đến chất lượng mặt nước.
Hình ảnh thiết bị đang thử nghiệm trục vớt lục bình trên sông Vàm Cỏ Tây
Buổi thử nghiệm đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các nhà khoa học, cơ quan quản lý, doanh nghiệp chế tạo, đơn vị dự kiến tiếp nhận kết quả, …tham dự. Các ý kiến tập trung vào kết cấu, khả năng vận hành cũng như các sản phẩm hình thành từ kết quả nghiên cứu trong thực tiễn: Khả năng tự hành thiết bị có ý nghĩa giúp nhanh chóng tiếp cận các điểm ùn tắt cục bộ trong kênh và trên sông để đảm bảo được lưu thông là một vấn đề cấp thiết phải hướng đến. Quá trình trục vớt làm việc của thiết bị cần được kiểm tra giám sát để đánh giá kịp thời, nhóm nghiên cứu cũng hướng đến xây dựng một công cụ giám sát trên cao theo định kỳ để ghi nhận kết quả thực hiện để đối chiếu và cùng giám sát; Hoàn thiện công nghệ trong quá trình thực hiện đề tài, đánh giá hiệu quả đầu tư; Kiến nghị để xây dựng một dự án sản xuất thực nghiệm để tạo ra nhiều tổ hợp thiết bị phục vụ nhu cầu; Hình thành dịch vụ mới về liên quan đến tổ hợp thiết bị trục vớt chuyên trách: Dịch vụ bảo dưỡng, dịch vụ trục vớt theo yêu cầu, dịch vụ cung cấp phụ tùng sửa chữa thiết bị.
Sản phẩm của đề tài nếu thành công sẽ góp phần giải quyết vấn nạn lục bình, khơi thông dòng chảy cho phương tiện thủy, giảm thiểu tác động đến môi trường và tạo ra thêm các sản phẩm hữu cơ cho Long An và các tỉnh lân cận./.