Khả năng sinh trưởng của trâu lai F1 được tạo ra giữa trâu cái bản địa và trâu đực Murrah bằng phương pháp gieo tinh nhân tạo
TÓM TẮT
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá một số chỉ tiêu sinh sản của trâu cái địa phương khi được gieo tinh nhân tạo với tinh trâu Murrah và khả năng sinh trưởng của trâu lai F1 trong điều kiện chăn nuôi nông hộ. Thí nghiệm được thực hiện trên 50 trâu cái bản địa đang ở lứa đẻ từ 1 đến 4 có khối lượng trong khoảng 400-500kg. Trâu cái được gây động dục đồng loạt bằng phương pháp đặt vòng CIRD vào tử cung kết hợp sử dụng hooc-môn PGF2α và GnRH. Sau đó trâu cái bản địa được theo dõi động dục để tiến hành gieo tinh nhân tạo với tinh trâu Murrah. Trâu lai F1 sinh ra từ trâu cái bản địa được theo dõi để đánh giá ngoại hình và khả năng sinh trưởng đến 12 tháng tuổi. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ đáp ứng động dục sau khi xử lý kích dục tố của trâu cái bản địa là 80%. Tỷ lệ đậu thai của trâu bản địa qua l, 2 và 3 lần gieo tinh lần lượt là 32,5; 55,0 và 65,0%. Mức độ đẻ khó cần phải có can thiệp của cán bộ thú y là 15,38%. Kết quả nghiên cứu khi tính bình quân cả trâu đực và cái lai F1 cho thấy lúc 12 tháng tuổi vòng ngực là 163,67cm, dài thân chéo là 112,96cm, cao vai là 105,65cm, chỉ số tròn mình là 1,54 và chỉ số dài thân là 1,07. Khối lượng trung bình trâu lai F1 lần lượt là 128,39; 216,02; 280,71 và 331,70kg tương ứng qua 3, 6, 9 và 12 tháng tuổi. Tăng khối lượng trung bình từ sơ sinh đến 12 tháng tuổi đạt khá cao (0,81 kg/con/ngày). Qua kết quả thí nghiệm cho thấy việc xử lý kích dục tố góp phần tăng khả năng động dục của trâu cái và trâu lai F1 có khả năng sinh trưởng tốt ở điều kiện chăn nuôi nông hộ.
Từ khóa: Sinh sản, sinh trưởng, trâu Murrah, trâu lai F1
ABSTRACT
Growth performance of F1 crossbred buffaloes – hydrids of Murrah x local buffalo through artificial insemination
A study was carried out to evaluate some reproductive performances of female local buffalo artificially inseminated with Murrah buffalo semen and growth performance of F1 crossbred buffaloes in small householders. A total of fifty female local buffaloes of body weight 400-500kg at parity 1-4 were arranged in this experiment. Female local buffaloes were applied entrus synchronization protocols by adminitrating control internal drug release device (CIDR) and PGF2α and GnRH hormone. Then female local buffaloes were mornitored estrus response to apply artificial insemination with Murrah semen straw. F1 crossbred buffaloles were mornitored as soon as they were born to evaluate their physical characteristics, body weight at specific ages and daily weight gain. The results of study showed that estrus response rate of female local buffaloes applying entrus synchronization protocols was 80%. The pregnancy rates after one, two and three times of artificial insemination applications were 32.5, 55.0 and 65.0%, respectively. The degree of calving difficulty with veterinarian's assistance was 15.38%. At 12 months of age, average values of heart girth, body length, withers height of F1 crossbred buffaloes were 163.67, 112.96 and 105.65cm, respectively. Average body weight of both male and female F1 crossbred buffaloes were 128,39, 216,02, 280,71 and 331,70kg, respectively at 3, 6, 9 and 12 months of age. Daily weight gain of F1 crossbred buffaloes obtained 0.8kg/head from birth to 12 months of age. It could be concluded that application of entrus synchronization protocols enhances reproductive efficiency and F1 crossbred buffaloes gained well in small-scale buffalo production.
Keywords: Fertility, growth, Murrah buffalo, F1 crossbred buffalo
1. ĐẶT VẤN ĐỀ
Đặc điểm chung của trâu bản địa ở các địa phương nước ta là tầm vóc nhỏ, sinh trưởng chậm và thành thục muộn. Trâu Việt Nam có khối lượng trưởng thành ở con đực là 400-450kg và ở con cái là 330-350kg, tỷ lệ thịt xẻ khoảng 43-45%. Do công tác giống hầu như chưa được quan tâm đúng mức nên tầm vóc trâu có xu hướng giảm. Đây là vấn đề rất đáng báo động về tình trạng suy thoái giống trâu Việt Nam (Cục Chăn nuôi, 2010). Trên thế giới, những nghiên cứu về trâu, đặc biệt là lĩnh vực sinh sản có được sự quan tâm và đã đạt được những thành tựu vượt bậc. Tuy nhiên, ở Việt Nam nói chung và tỉnh Long An nói riêng, vấn đề này vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện nay, tình hình chăn nuôi trâu ở Long An đang dần khôi phục sau thời gian giảm mạnh trong nhiều thập niên qua. Vì thế, chăn nuôi trâu với mục đích sinh sản và lấy thịt cần cải tiến dần từ việc chọn lọc con giống, quản lý đực giống, cải thiện chế độ nuôi dưỡng và quy mô chăn là một hướng mới cần được nghiên cứu đối với khu vực Long An nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
2. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Đối tượng, địa điểm và thời gian
Nghiên cứu thực hiện trên đàn trâu cái địa phương và trâu F1 sinh ra từ trâu cái địa phương được gieo tinh nhân tạo với trâu Murrah ở quy mô nông hộ.
Đề tài nghiên cứu được thực hiện trong thời gian 30 tháng từ tháng 9/2018 đến tháng 3/2021 tại các hộ chăn nuôi huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.
2.2. Phương pháp
2.2.1. Bố trí thí nghiệm
Nghiên cứu được thực hiện trên 50 trâu cái bản địa có khối lượng trong khoảng 400-500kg. Trâu cái có lứa đẻ từ 1 đến 4 lứa và không có tiền sử rối loạn về khả năng sinh sản. Tất cả trâu cái đều được xử lý kích dục tố để gây động dục đồng loạt. Quy trình xử lý kích dục tố khi gieo tinh nhân tạo được tiến hành như sau: Ngày đầu tiên đặt vòng CIDR vào âm đạo của trâu và tiêm 2,5ml Fertagyl (GnRH); đến ngày thứ 7 rút vòng CIDR ra khỏi âm đạo đồng thời tiêm 5,0ml Lutalyse (PGF2α); đến ngày thứ 9 tiếp tục tiêm 2,5ml Fertagyl (GnRH). Trong những ngày tiếp theo, khi trâu cái có các biểu hiện động dục sẽ được gieo tinh trâu Murrah. Trâu cái bản địa không đậu thai ở lần gieo tinh thứ nhất được gieo tinh lại lần 2 và lần 3 trong lần lên giống tiếp theo. Trâu cái bản địa mang thai sẽ được theo dõi và ghi chép các chỉ tiêu sinh sản. Tất cả trâu cái thí nghiệm được nuôi cùng điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng khi tiến hành thí nghiệm.
Trâu lai F1 sinh ra từ trâu cái bản địa được gieo tinh trâu Murrah được theo dõi khả năng sinh trưởng đến 12 tháng tuổi. Trâu lai F1 được chăm sóc và nuôi dưỡng cùng chế độ trong suốt quá trình thí nghiệm.
2.2.2. Các chỉ tiêu theo dõi
Trâu cái bản địa được theo dõi các chỉ tiêu gồm có tỷ lệ đáp ứng động dục sau khi xử lý kích dục tố, tỷ lệ đậu thai ở mỗi lần gieo tinh, tỷ lệ đậu thai tổng thể, thời gian mang thai, tỷ lệ đẻ khó (phải có cán bộ thú y can thiệp), tỷ lệ trâu đực và cái theo các phương pháp thông dụng.
Tỷ lệ đáp ứng động dục sau xử lý kích dục tố (%) = (Số trâu biểu hiện lên giống/Số trâu được xử lý) x 100.
Tỷ lệ phối giống đậu thai (%) = (Số trâu đậu thai/Số trâu được phối giống) x 100
Tỷ lệ đẻ khó (%) = Số trâu đẻ khó/Số trâu đẻ) x 100
Tỷ lệ sinh trâu đực (cái) (%) = (Số trâu đực (cái)/Số trâu sinh ra) x 100
Thời gian mang thai (ngày) = Số ngày từ thời điểm gieo tinh đậu thai đến khi đẻ.
Trâu lai F1 được đánh giá các chỉ tiêu về khối lượng cơ thể lúc sơ sinh, 3, 6, 9 và 12 tháng tuổi, từ đó đánh giá TKL qua các mốc thời gian này. Khối lượng sơ sinh được cân bằng đồng hồ 100kg ngay sau được sinh ra. Khối lượng ở các mốc tuổi khác được cân bằng cân điện tử đại gia súc vào sáng sớm trước khi cho ăn. Bên cạnh đó, tại thời điểm 12 tháng tuổi, trâu lai F1 cũng được đánh giá về ngoại hình với các chỉ tiêu vòng ngực, dài thân chéo và cao vai.
Vòng ngực (m): Đo bằng thước dây tại vị trí ngay sau xương bả vai.
Dài thân chéo (m): Đo bằng thước gậy, từ mỏm xương bả vai đến điểm tận cùng xương ngồi.
Cao vai (m): Đo bằng thước gậy, từ mặt đất đến điểm sau của u vai.
2.3. Xử lý số liệu
Số liệu thí nghiệm được xử lý bằng phương pháp thống kê sinh vật học với các tham số thống kê mô tả là giá trị trung bình (Mean) và phương sai (SD) trong phần mềm Minitab 16.
3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1. Khả năng sinh sản của trâu cái địa phương khi gieo tinh nhân tạo với trâu Murrah
Khả năng sinh sản của trâu cái bản địa sau khi được xử lý kích dục tố và gieo tinh trâu Murrah được trình bày ở bảng 1 cho thấy trong tổng số 50 trâu cái được đưa vào xử lý kích dục tố với phương án kết hợp CIRD+PGF2α+GnRH, có 40 cá thể có đáp ứng động dục đạt tỷ lệ là 80,0%. Đáp ứng động dục bao gồm các biểu hiện trên trâu cái là chảy dịch nhờn ở âm hộ, chồm lên con khác và đứng yên khi con khác chồm lên. Kết quả nghiên cứu này cao hơn kết quả của Nguyễn Ngọc Tấn (2017) khi thử nghiệm trên 38 trâu cái bản địa ở Tây Ninh với tỷ lệ đáp ứng động dục đạt 73,7% và tương đương với kết quả của Đinh Văn Cải và ctv (2011a) khi nghiên cứu xử lý kích dục tố trên đàn trâu ở Bắc Trung Bộ và Đông Nam Bộ với tỷ lệ đáp ứng động dục đạt 79,5%. Tuy nhiên, kết quả này thấp hơn khi so sánh với nghiên cứu của Chaikhun và ctv (2010) trên trâu Trung Quốc hay Yendraliza và ctv (2011) trên trâu Indonesia khi xử lý kết hợp GnRH và PGF2α với tỷ lệ đáp ứng động dục 100%.
Bảng 1. Một số chỉ tiêu sinh sản của trâu cái bản địa khi được xử lý kích dục tố và phối với tinh Murrah

Về kết quả gieo tinh đậu thai cho thấy, tỷ lệ trâu cái đậu thai sau lần gieo tinh nhân tạo lần thứ nhất đạt 32,50%, lần thứ hai đạt 33,33%, lần thứ ba đạt 22,22%. Tỷ lệ đâu thai của trâu sau 2 lần đạt 55,00% và sau 3 lần đạt 65,00%. Tỷ lệ đậu thai trong nghiên cứu này tương đương với kết quả nghiên cứu của Đinh Văn Cải và ctv (2011b) đạt 68,70% sau 2 lần gieo tinh, nhưng cao hơn so với nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Tấn (2017) chỉ đạt 40,00-41,10% sau 2 lần gieo tinh tùy vào phương án xử lý kích dục tố. Sự sai khác này có thể do tình trạng sinh lý của buồng trứng, mùa vụ, phương thức chăn nuôi (quảng canh, chăn dắt) và điều này cũng được báo cáo bởi nhiều tác giả khác khi nghiên cứu gây động dục cho trâu bằng hooc-môn. Nguyễn Văn Đại và ctv (2016) cho biết TL phối giống đậu thai cho trâu bằng tinh Murrah đông lạnh dạng cọng rạ trên 2 huyện Tân Yên và Việt Yên (Bắc Giang) là 43,85%. Nguyễn Văn Đại (2018) cho biết phối giống 1 liều cho đàn trâu cái chọn lọc ở Bắc Quang (Hà Giang) cả 2 chu kỳ đạt TL thụ thai 38,25%. Nguyễn Công Định và ctv (2018) đã thụ tinh nhân tạo cho trâu bằng phương pháp phối kép (liều 2 sau 6h kể từ khi phối liều 1) cho TL thụ thai 53,5%, trong khi đó phối 1 liều chỉ đạt 44,5%.
Thời gian mang thai bình quân của đàn trâu thí nghiệm là 312,2 ngày tương đương 10,2 tháng, TL đẻ khó là 15,38% và TL sinh trâu cái/đực là 46,15/53,85. Kết quả các chỉ tiêu này nằm trong ngưỡng bình thường của trâu.
3.2. Đặc điểm ngoại hình và khả năng sinh trưởng của trâu lai F1(Murrah x Bản địa)
3.2.1. Đặc điểm ngoại hình của trâu lai F1 giữa cái bản địa và đực Murrah
Kết quả một số chiều đo ngoại hình của trâu lai F1 ở bảng 2 cho thấy nhìn chung trâu đực lai có kích thước thể trạng cao hơn so với trâu cái lai. Nghiên cứu chỉ ra rằng kích thước vòng ngực (VN) của trâu đưc lai và cái lai lần lượt là 167,44 và 157,67cm. Chỉ tiêu dài thân chéo (DTC) không có sự khác biệt đáng kể của giới tính: con đực là 113,97cm và con cái là 111,28cm. Chỉ tiêu cao vai (CV) của con trâu đực và cái lai tương ứng là 108,27 và 101,26cm. Kết quả nghiên cứu này cũng cho thấy lúc 12 tháng tuổi, khi tính bình quân cả đực và cái, vòng ngực trâu lai F1 là 163,67cm, dài thân chéo là 112,96cm, cao vai là 105,65cm, chỉ số tròn mình (TM) là 1,54 và dài thân (DT) là 1,07.
Bảng 2. Kích thước chiều đo lúc 12 tháng (Mean±SD)

Nguyễn Ngọc Tấn (2017) khi khảo sát trên đàn trâu tơ địa phương tại Tây Ninh lúc 12 tháng tuổi cho thấy một số chiều đo ngoại hình gồm VN, DTC và CV của trâu đực là 128,0; 117,3 và 114,5cm; tương ứng trên trâu cái là 126,8; 111,9 và 108,1cm. Như vậy, khi so sánh với trâu địa phương lúc 12 tháng tuổi thì trâu lai F1(Murrah x địa phương) đã có các chiều đo vượt trội. Kết quả về thể trạng trâu lai F1(Murrah x địa phương) lúc 12 tháng tuổi tương đương với nghiên cứu của Đoàn Đức Vũ (2012) thực hiện trên đàn trâu ở Hậu Giang lúc 18 tháng tuổi với VN 166,9-169,4cm, DTC 114,3-120,2cm và CV 120,2-121,8cm. Đối với trâu lai F1(Murrah x địa phương), hai chỉ số tròn mình và dài thân là 1,54 và 1,07 cho thấy trâu phát triển chiều ngang và chiều dài theo hướng chuyên sản xuất thịt.
3.2.2. Khả năng sinh trưởng của trâu lai F1 giữa trâu cái bản địa và trâu đực Murrah
Kết quả nghiên cứu về KL và TKL của trâu lai F1 ở bảng 3 cho thấy trâu đực và cái lai F1 lúc mới sinh ra là tương đương nhau, lần lượt là 38,35kg và 40,11kg và trung bình của cả đực và cái là 39,95kg. Kể từ thời điểm 3 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi, KL trâu đực lai F1 có khuynh hướng cao hơn so với trâu cái lai. Khối lượng cơ thể lúc 3, 6, 9 và 12 tháng tuổi ở trâu đực lai lần lượt là 134,14; 226,78; 296,43 và 350,92kg; ở trâu cái lai tương ứng là 120,73; 198,08; 254,67 và 299,66kg. Khối lượng trung bình của cả trâu đực và cái lai F1 là 128,39; 216,02; 280,71 và 331,70kg tương ứng qua các tháng tuổi. Nguyễn Bình Trường (2015) ghi nhận về trâu địa phương ở An Giang có KL con đực và con cái lúc 12-24 tháng tuổi lần lượt là 276 và 227kg; Mai Văn Sánh và ctv (2008) chỉ ra ở miền Nam, trâu đực nặng 283,32±29,59kg và trâu cái nặng 271,14±31,34kg lúc 24 tháng tuổi. Theo Nguyễn Công Định (2012), trâu đực đạt 234,79±16,57kg và trâu cái đạt 228,76±19,48kg lúc 24 tháng tuổi. Những kết quả nghiên cứu trên trâu bản địa đều có KL thấp hơn nhiều so với KL của con lai trong nghiên cứu này.
Bảng 3. Khối lượng và tăng khối lượng của trâu lai F1 giữa cái bản địa và đực Murrah

Về TKL hàng ngày của trâu đực lai cao hơn hơn trâu cái lai ở từng giai đoạn tuổi. Mức TKL của trâu đực lai đạt 1,01-1,07kg và trâu cái lai đạt 0,8-0,9kg ở giai đoạn sơ sinh đến 6 tháng tuổi. Trong giai đoạn 6-12 tháng tuổi thì TKL đều giảm, lần lượt của trâu đực lai là 0,77-0,61kg và trâu cái lai là 0,63-0,5kg. Tăng khối lượng cho cả đực và cái giai đoạn từ sơ sinh đến 12 tháng tuổi đạt 0,81 kg/con/ngày. Kết quả nghiên cứu có thể cho thấy tiềm năng TKL khá tốt của trâu trong giai đoạn còn bú mẹ và nhận đầy đủ dưỡng chất. Giai đoạn 6-12 tháng tuổi, TKL giảm dần có thể do điều kiện nuôi dưỡng tại nông hộ không đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cho TKL tối đa của trâu lai, nhưng ở mức tận dụng thức ăn phụ phẩm nông nghiệp là chính mà TKL đạt trên 0,5 kg/ngày là điều cần đáng quan tâm để phát triển đàn trâu trong tương lai.
Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Tấn (2017) tại Tây Ninh cho thấy trâu lai F1(Murrah x bản địa) bình quân cả đực và cái ở các mốc tuổi: sơ sinh, 3, 6, 9 và 12 tháng lần lượt là 28,8; 106,1; 168,3; 220,8 và 262,0kg. Kết quả nghiên cứu của Đinh Văn Cải và ctv (2012) khi nuôi dưỡng trâu lai F1(Murrah x bản địa) với các mức dinh dưỡng khác nhau, KL sơ sinh là 28,3-32,2 kg/con và lúc 3 tháng tuổi là 88,3-105,4 kg/con. Những nghiên cứu về trâu lai F1 ở trên đều cho kết quả về tăng trưởng thấp hơn so với nghiên cứu này. Nguyên nhân có thể là do đàn trâu cái nền trong nghiên cứu này đã được cải tiến trong những dự án trước đó nên có KL khi đưa vào thí nghiệm cao hơn dẫn đến kết quả tốt hơn ở đàn con.
4. KẾT LUẬN
Qua nghiên cứu này cho thấy việc sử dụng kích dục tố có thể tạo đáp ứng động dục lên đến 80%, tỷ lệ đậu thai sau 3 lần gieo tinh đạt 65,0% và các chỉ tiêu khác như thời gian mang thai, tỷ lệ đẻ khó và tỷ lệ đực/cái nằm trong ngưỡng sinh lý bình thường của trâu. Trâu lai F1 của cái bản địa được phối tinh Murrah mang lại những kết quả tích cực về tầm vóc và thể trạng. Trâu lai F1 lúc 12 tháng tuổi đạt được khối lượng 331kg và TKL là 810g/con/ngày. Các số đo của trâu F1 lúc 12 tháng tuổi: vòng ngực 163,7cm, dài thân chéo 112,9cm, cao vây 105,6cm cho thấy tiềm năng phát triển hướng thịt của trâu lai.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cục Chăn nuôi (2010). Chăn nuôi Việt Nam 2000-2010. Hà Nội, Trang 12-13.
2. Đinh Văn Cải, Lưu Công Hòa, Đậu Văn Hải, Nguyễn Hữu Trà và Hoàng Khắc Hải (2011a). Hiệu quả sử dụng CIDR kết hợp với PGF2α và GnRH gây động dục đồng loạt trên trâu nội áp dụng trong gieo tinh nhân tạo. Tạp chí NN&PTNT, 19: 59-64.
3. Đinh Văn Cải, Nguyễn Hữu Trà, Lưu Công Hòa, Thái Khắc Thanh, Hàn Quốc Vương, Hoàng Khắc Hải và Lê Trần Thái (2011b). Hiệu quả phối giống nhân tạo trên trâu cái nội và thời điểm dẩn tinh thích hợp. Tạp chí NN&PTNT, 23: 80-84.
4. Đinh Văn Cải (2012). Nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật nâng cao khả năng sinh sản và sản xuất của trâu. Báo cáo tổng kết nghiệm thu đề tài cấp Bộ 2009-2012.
5. Chaikhun T., Tharasanit T., Rattanatep J., De Rensis F. and Techakumphu M. (2010). Fertility of swamp buffalo following the synchronization of ovulation by the sequential administration of GnRH and PGF₂alpha combined with fixed-timed artificial insemination. Theriogenology, 74: 1371-76.
6. Nguyễn Văn Đại, Tạ Văn Cần, Nguyễn Đức Chuyên, Nguyễn Huy Huân, Thân Văn Thuần, Nguyễn Thế Huy, Đào Trọng Nghĩa, Hàn Quốc Vương và Nguyễn Thị Lan (2016). Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để phát triển đàn trâu lai hướng thịt tại Bắc Giang. Báo cáo tổng kết khoa học đề tài cấp tỉnh.
7. Nguyễn Văn Đại, Tạ Văn Cần, Vũ Đình Ngoan, Nguyễn Đức Chuyên và Nguyễn Huy Huân (2018). Kết quả bước đầu ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo để cải tạo đàn trâu huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Tạp chí KHCN Chăn nuôi, 85: 23-28.
8. Nguyễn Công Định (2012). Ảnh hưởng của khối lượng bố, mẹ và nuôi thâm canh đến khối lượng, sinh trưởng và sản xuất thịt của trâu, Luận án tiến sĩ nông nghiệp chuyên ngành chăn nuôi, Viện Chăn nuôi.
9. Nguyễn Công Định, Tạ Văn Cần, Nguyễn Văn Đại, Vũ Đình Ngoan, Nguyễn Đức Chuyên, Nguyễn Huy Huân, Trần Trung Thông và Ngô Thị Kim Cúc (2018). Kết quả cải tiến kỹ thuật thụ tinh nhân tạo để nâng cao tỷ lệ sinh sản ở trâu. Tạp chí KHCN Chăn nuôi, 88: 73-82.
10. Mai Văn Sánh, Trịnh Văn Trung, Nguyễn Công Định và Nguyễn Kiêm Chiến (2008). Hiện trạng đàn trâu ở một số địa phương đại diện cho các vùng trâu to trong cả nước. Tạp chí KHCN Chăn nuôi, 15: 1-8.
12. Nguyễn Ngọc Tấn (2017). Nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nâng cao sức sản xuất và sinh sản của trâu tại Tây Ninh. Báo cáo tổng kết đề tài địa phương. Trung tâm Công nghệ sinh học chăn nuôi – Phân Viện Chăn nuôi Nam bộ. Phần II: 48-55.
13. Nguyễn Bình Trường (2015). Một số đặc điểm về sinh trưởng, sinh sản của trâu tỉnh An Giang. Tạp chí KHKT Chăn nuôi, 195(6): 80-86.
14. Đoàn Đức Vũ (2012). Nghiên cứu mô hình chăn nuôi trâu theo phương thức nuôi nhốt hoặc bán chăn thả tại tỉnh Hậu Giang. Báo cáo tổng kết đề tài, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam. Chương 3: 24-53.
15. Yendraliza Zesfin B.P., Udin Z. Jaswandi and Arman C. (2011). Effect of combination of GnRH and PGF2 for estrus synchronization on set of estrus and pregnancy rate in different postpartum in swamp buffalo in Kamparregency. J. Indonesian Tro. Ani. Agr., 36(1): 9-13.
Tác giả: TS.Đoàn Đức Vũ và Võ Thị Quế Lâm
Phân Viện Chăn nuôi Nam Bộ 2 - Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Huệ - Long An
* Tác giả liên hệ: TS. Đoàn Đức Vũ, Phân Viện Chăn nuôi Nam Bộ . Điện thoại: 0908240155, Email: doanducvu@yahoo.com