image banner
Hội nghị xét duyệt, tuyển chọn đơn vị chủ trì, cá nhân đăng ký thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học "Đề xuất giải pháp xây dựng và phát triển hình ảnh điểm đến du lịch thông minh để thu hút khách du lịch tại tỉnh Long An"
Lượt xem: 253

Ngày 14 tháng 5 năm 2021, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị xét duyệt, tuyển chọn đơn vị chủ trì, cá nhân đăng ký thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học: " Đề xuất giải pháp xây dựng và phát triển hình ảnh điểm đến du lịch thông minh để thu hút khách du lịch tại tỉnh Long An"

- Chủ nhiệm đề tài:  PGS.TS. Hà Nam Khánh Giao

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Học viện Hàng không Việt Nam

 dulich2.PNG

Ban Chủ nhiệm đề tài báo cáo thuyết minh đề tài

dulich1.PNG 

Hội đồng khoa học tư vấn tuyển chọn, xét duyệt nhiệm vụ

Trong thời buổi đương đại, các ứng dụng kỹ thuật thông minh và các thiết bị thông minh trong du lịch đã làm thay đổi đáng kể hành vi du khách và sự ưa thích của du khách. Dựa trên góc nhìn du khách, các công nghệ thông minh hỗ trợ kinh doanh du lịch trong việc tạo ra, quản lý và chuyển giao các trải nghiệm/ dịch vụ du lịch thông minh (Gretzel và cộng sự, 2015). Mặc dù có nhiều nghiên cứu đã trình bày các yêu cầu trong việc vận hành du lịch thông minh, một trong những mục tiêu chính của du lịch thông minh chính là làm tăng lên những trải nghiệm du khách thông qua việc quản trị điểm đến thích hợp, vẫn còn ở những bước sơ khai (Choe & Fesenmaier, 2017).

Thuật ngữ "du lịch thông minh" mới xuất hiện ở Việt Nam trong khoảng một vài năm trở lại đây, được nhắc đến nhiều khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chính thức diễn ra ở nước ta. Ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW, khẳng định "Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước". Trong đó, để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tất yếu phải có giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại. Nghị quyết 08 cũng nêu 3 khía cạnh ứng dụng khoa học công nghệ với các hoạt động du lịch. Long An nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, giáp ranh TP.HCM, Tây Ninh, Tiền Giang, Đồng Tháp, và trong quy hoạch phát triển du lịch của Việt Nam, Long An được xác định là một trong những địa điểm du lịch sinh thái quan trọng của vùng du lịch phía Nam. Không chỉ được thiên nhiên ưu ái ban tặng hai con sông Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông mang phù sa bồi đắp cho những vườn trái cây trĩu quả quanh năm, Long An còn có những cánh đồng lúa bạt ngàn, hệ sinh thái động thực vật đa dạng, phong phú.

Thời gian qua, ngành du lịch Long An đã được quan tâm, nhiều khu/điểm du lịch được đầu tư, tôn tạo hòa vào mạng lưới các di tích lịch sử và công trình văn hóa đã có, nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh. Theo đó, Long An đã kêu gọi được nhà đầu tư tham gia vào các dự án, khu/điểm du lịch như: Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Làng nổi Tân Lập; Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Láng Sen; Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười; Khu phức hợp giải trí Khang Thông (Happyland); Điểm du lịch văn hóa thể thao Phước Lộc Thọ; Dự án Vườn Thú Mỹ Quỳnh; Sân West Lakes Golf và Villass Long An. Ngoài các dự án trên, hiện nay trên địa bàn tỉnh cũng có các dự án đã và đang được các nhà đầu tư quan tâm như: Điểm du lịch Đồn Rạch Cát, Khu Lâm viên Thanh niên, Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh, Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo, Khu di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban hành chánh - Kháng chiến Nam Bộ, Khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa, Tượng đài Long An, v.v.

Về cơ sở lưu trú du lịch tại tỉnh Long An tính đến nay có 496 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch là khách sạn, nhà nghỉ với tổng số 6.300 phòng, trong đó có 55 khách sạn gồm 1.300 phòng. Nhìn chung các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch thực hiện tốt các quy định của pháp luật và thường xuyên nâng cấp các dịch vụ, cơ bản đáp ứng được nhu cầu phục vụ du khách.

Đối với hoạt động lữ hành, toàn tỉnh Long An hiện nay có 15 doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, trong đó có 02 doanh nghiệp được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là Công ty TNHH Một thành viên Dịch vụ và Du lịch Thiên Khánh và Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Du lịch Phú Sang. Đa số các đơn vị lữ hành chủ yếu nhận khách của địa phương để đưa đi tham quan các tỉnh.

Long An hấp dẫn khách du lịch còn do giá trị nhân văn của nền văn hoá Óc Eo, một nền văn hoá đã hình thành và phát triển tại vùng châu thổ sông Cửu Long từ thế kỷ I đến thế kỷ VI sau Công nguyên. Tính đến nay, toàn tỉnh Long An có 114 di tích lịch sử và 3 công trình văn hóa có tính lịch sử gồm 21 di tích cấp quốc gia và 93 di tích cấp tỉnh. Trong năm 2020, có khoảng 100.000 lượt khách đến tham quan tại các di tích lịch sử và các lễ hội trên địa bàn tỉnh. Trong đó có khoảng 75.000 lượt khách đến tham quan tại Bảo tàng, các di tích lịch sử và công trình văn hóa do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý gồm: Khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa; Các địa điểm thuộc Căn cứ Bình Thành (Khu di tích lịch sử Cách mạng tỉnh); Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chánh - Kháng chiến Nam Bộ và Khu Tượng đài Long An. Nhìn chung các di tích bước đầu đã được khai thác, sử dụng, phát huy tác dụng trong việc giáo dục truyền thống và tham quan du lịch. Tuy nhiên, các dịch vụ (hàng lưu niệm, vui chơi giải trí …) tại các khu di tích chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ du khách.

Công tác triển khai các dự án thương mại trên địa bàn tỉnh Long An cũng đã được quan tâm đầu tư nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm, tham quan của người dân và khách du lịch. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 133 chợ; 07 siêu thị; 01 trung tâm thương mại và 150 cửa hàng tiện ích. Ngoài ra, trong năm 2020 đã đưa vào giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại Trạm dừng chân Đồng Tháp, huyện Thạnh Hóa. Nhìn chung, các cơ sở kinh doanh thương mại cung cấp đa dạng các hàng hóa, dịch vụ góp phần phát triển hệ thống bán lẻ và đáp ứng nhu cầu của du khách.

Hoạt động làng nghề, làng nghề truyền thống, sản phẩm công nghiệp nông thôn cũng được khuyến khích phát triển để phục vụ du khách. Năm 2020, đã công nhận 01 làng nghề (Làng nghề trồng mai, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa) và 01 nghề truyền thống (Nghề truyền thống Chế tác kim hoàn (nghề bạc), ấp Thuận Tây 1, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc). Tính đến nay, toàn tỉnh có 05 nghề truyền thống; 01 làng nghề; 07 làng nghề truyền thống; 07 sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia, 21 sản phẩm tiêu biểu cấp khu vực, 52 sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh, 150 sản phẩm tiêu biểu cấp huyện. Bên cạnh đó, tặng danh hiệu cho 17 nghệ nhân, 172 thợ giỏi và 02 người có công đưa nghề về tỉnh trong ngành thủ công mỹ nghệ, từ đó góp phần phát triển sản phẩm hàng hóa của địa phương.

Có thể nói, Long An là một tỉnh có tiềm năng về du lịch tự nhiên, nhân văn hết sức phong phú và đa dạng, phân bố rộng khắp trên các địa bàn trong tỉnh, nên rất thuận lợi cho việc đầu tư và khai thác, phát triển du lịch. Theo nhận định của các chuyên gia, tỉnh Long An là một địa phương hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho việc đón khách du lịch nội địa từ nhiều nơi đặc biệt từ các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, v.v… đây là các địa phương mà tập trung nhiều dân cư có thu nhập ở mức khá và cao.

Mục tiêu phát triển du lịch Long An trong thời gian tới đó là phấn đấu đưa ngành du lịch đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và trở thành điểm đến du lịch vệ tinh quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh ở vùng du lịch Đồng bằng sông Cửu Long với hình ảnh đặc trưng là sông Vàm Cỏ trên nền cảnh quan sinh thái Đồng Tháp Mười và Khu phức hợp giải trí Khang Thông (Happyland) theo Quy hoạch tổng thể được duyệt.

Ngành du lịch tỉnh Long An trong thời gian qua đã có nhiều nổ lực, tạo lập được hình ảnh của một điểm đến du lịch hấp dẫn cho du khách, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch của tỉnh Long An vẫn còn một số hạn chế: Chưa có được những sản phẩm du lịch đặc thù chất lượng cao; Sản phẩm du lịch hiện tại phần lớn chỉ dựa vào giá trị sẵn có của các điểm di tích lịch sử văn hóa; Kết cấu hạ tầng và chất lượng phục vụ chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; Nguồn vốn đầu tư của ngân sách cho du lịch còn hạn chế; Tiến độ thực hiện một vài dự án du lịch còn chậm; Công tác mời gọi đầu tư các di tích lịch sử văn hóa còn gặp nhiều khó khăn, v.v. Do đó, để xây dựng hình ảnh điểm đến thông minh cho tỉnh Long An nhằm thu hút khách du lịch trong thời gian tới cần có những giải pháp đồng bộ như quy hoạch đầu tư, xây dựng dự án phát triển du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, các di tích lịch sử và công trình văn hóa, khu phức hợp giải trí; nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, đầu tư du lịch; đào tạo phát triển nguồn nhân lực gắn với hình ảnh "Người Long An hiếu khách, văn minh, lịch thiệp"; tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hệ thống giao thông phục vụ du lịch; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, v.v.

Trên cơ sở phân tích, việc thực hiện đề tài "Nghiên cứu đề xuất giải pháp xây dựng và phát triển hình ảnh điểm đến du lịch thông minh để thu hút khách du lịch nội địa tại tỉnh Long An" là rất cần thiết và tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Đề tài nghiên cứu này sẽ đóng góp cho sự phát triển hình ảnh điểm đến du lịch thông minh tỉnh Long An, đảm bảo tính khoa học và khả thi. Kết quả nghiên cứu dựa vào tổng hợp lý thuyết, khung pháp lý liên quan, đánh giá thực trạng hình ảnh điểm đến du lịch thông minh của tỉnh Long An, định hướng nâng cao chuỗi giá trị của những sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Long An trong tiến trình hội nhập nền kinh tế quốc tế, đồng thời phân tích nhu cầu, kỳ vọng của các đối tượng liên quan để đề xuất mục tiêu, giải pháp phát triển hình ảnh điểm đến du lịch thông minh cho tỉnh Long An. Với các phương pháp, kỹ thuật nghiên cứu được xem là phù hợp, ưu việt nhất. Kết quả nghiên cứu dự kiến được các Sở Ban ngành của địa phương như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao Thông Vận Tải, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch, Sở Công thương và Ủy ban Nhân dân tỉnh xem xét, sử dụng vào việc xây dựng chủ trương, chính sách liên quan để đưa vào thực tiễn triển khai nhằm đẩy mạnh một trong những hướng phát triển mới rất tiềm năng trong kinh doanh dịch vụ du lịch, tiến tới đề xuất xây dựng tỉnh Long An trở thành một điểm đến thông minh thu hút khách du lịch nội địa.

Qua Hội nghị xét duyệt đề tài nói trên, Hội đồng Khoa học có những góp ý với Ban chủ nhiệm đề tài và đã thống nhất đề tài được thực hiện với một số chỉnh sửa bổ sung đề cương. Hội đồng đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ xem xét và quyết định./.

Thanh Hương – Phòng Quản lý Khoa học


Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
 
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1