Triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; Quyết định số 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành “Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp” và nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nước. Ngày 30/7/2024, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia tổ chức hội thảo với chủ đề “Đảm bảo đo lường trong ngành nước” theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Chủ trì hội thảo ông Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cùng với ông Trần Quý Giầu – Vụ trưởng Vụ Đo lường, ông Kim Đức Thụ – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 (Quatest 1), bà Hạ Thanh Hằng – Phó Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam; đại diện Cục Hạ tầng kĩ thuật – Bộ Xây dựng, đại diện các công ty kinh doanh nước sạch của 63 tỉnh, thành trong cả nước và lãnh đạo các đơn vị trong Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia tham gia trực tiếp và trực tuyến.
Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tham dự hội thảo
Tại Hội thảo, ông Trần Quý Giầu - Vụ trưởng Vụ Đo lường cho biết, trong năm 2023 đã tổ chức 14 khóa đào tạo về chương trình đảm bảo đo lường với hơn 700 lượt thành viên tham gia của 63 tỉnh, thành. Song song với việc đào tạo, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, đã hình thành mạng lưới các chuyên gia thực hiện tư vấn, đào tạo với khoảng 111 chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực đảm bảo đo lường. Tổ chức hơn 80 hội thảo trong thời gian qua, có khoảng 11.000 doanh nghiệp thực hiện chương trình đảm bảo đo lường thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo trong sản xuất - kinh doanh, hơn 170 tin được đưa qua các kênh truyền thông, tạp chí… Ông Trần Quý Giầu cũng cho biết thêm, về kết quả đảm bảo đo lường thông qua hoạt động kiểm định đồng hồ nước năm 2023, có 125 tổ chức được chỉ định kiểm định đồng hồ đo nước lạnh, trong đó 976.736 đồng hồ nước đã được kiểm định, có 949.683 chiếc đạt và 27.053 chiếc không đạt.
Qua đó, ông cũng nêu rõ định hướng sắp tới gồm: nhu cầu đảm bảo đo lường trong các công đoạn sản xuất - kinh doanh của các công ty cấp nước từ lúc sản xuất nước sạch đến vận chuyển, kinh doanh, bán hàng qua đồng hồ và các chỉ tiêu chất lượng của đồng hồ nước, đặc biệt là các phòng thí nghiệm về hóa - lý, hóa - sinh trong việc đảm bảo chất lượng nguồn nước; cách thức triển khai hiệu quả, đảm bảo, sao cho khi triển khai cần nâng cao hiệu quả rõ rệt trong sản xuất kinh doanh, đảm bảo chất lượng cả về mặt đo lường và vấn đề nước sạch; nâng cao năng lực kiểm định, kiểm soát phương tiện đo, phép đo trong chất lượng ngành nước và việc chuyển đổi số về đo lượng và chất lượng ngành nước, đặc biệt là xu hướng, cách sử dụng đồng hồ nước điện tử, đồng hồ nước đọc chỉ số từ xa đang là nhu cầu thiết yếu của mỗi hộ dân và mỗi công ty.
Cũng trong Hội thảo, các đơn vị đã lắng nghe một số bài tham luận như công tác triển khai chương trình đảm bảo đo lường cho các doanh nghiệp ngành nước của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1; Công tác đo lường tại Công ty CP nước sạch Quảng Ninh; hoạt động đo lường và kết quả thực hiện Đề án của Công ty cổ phần nước sạch Bắc Giang; Kết quả thực hiện kiểm định đồng hồ đo nước - Những khó khăn bất cập và kiến nghị của Công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO)…
Ngoài ra, đại diện các đơn vị đã cùng nhau thảo luận liên quan đến các vấn đề về nhu cầu đảm bảo đo lường trong các công đoạn sản xuất, kinh doanh nước sạch, bên cạnh đó cách thức xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình đảm bảo đo lường, ngoài ra, nâng cao năng lực kiểm định phương tiện đo, kiểm soát chất lượng nước, chuyển đổi số về đo lường, chất lượng trong ngành Nước.