NÂNG CAO NĂNG SUẤT, CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA – YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH SỰ THÀNH CÔNG CỦA DOANH NGHIỆP
Với tình hình phát triển kinh tế và xã hội như hiện nay, việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa là yếu tố quyết định sự tồn tại và thành công của doanh nghiệp. Trong đó, việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các công cụ cải tiến năng suất, hệ thống quản lý chất lượng... là giải pháp quan trọng để doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng. Để giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu này, nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Long An, đã và luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.
Thực hiện Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 - 2030, Quyết định số 692/QĐ-UBND ngày 25/01/2021 của UBND tỉnh Long An về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Chương trình năng suất chất lượng). Nhằm đảm bảo sự phù hợp với tình hình thực tế và quy định của Trung ương (Thông tư số 35/2021/TT-BTC ngày 19/5/2021 của Bộ Tài chính) đối với cơ chế quản lý tài chính thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu trình Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND ngày 13/7/2022 quy định nội dung chi và mức chi thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2022-2030 và tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 61/2022/QĐ-UBND ngày 14/11/2022 triển khai thực hiện Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND ngày 13/7/2022 của HĐND tỉnh.
Trong năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ triển khai Chương trình theo hình thức nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Hiện đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN là Trung tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 đang giai đoạn tư vấn, chuẩn bị các thủ tục lựa chọn đơn vị đánh giá chứng nhận đối với các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình.
Một số kết quả nỗi bật:
Đối với Công ty TNHH Ohnoseiko Việt Nam: áp dụng Lean Six Sigma giúp rút ngắn thời gian sản xuất, giảm tỉ lệ phản hồi về chất lượng từ phía khách hàng; cải tiến quy trình sản xuất, bố trí lại bằng nhà xưởng phù hợp và thuận tiện hơn; giảm tình trạng thắt cổ chai, chuẩn hoá thao tác công nhân, giảm tỉ lệ sản phẩm lỗi, tiết giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng suất lao động trong doanh nghiệp.
Công ty TNHH Ohnoseiko Việt Nam áp dụng công cụ Lean Six Sigma
Biểu đồ xác định tỉ lệ sai lỗi tại xưởng sản xuất Công ty TNHH Ohnoseiko Việt Nam
Đối với Công ty lương thực Long An: Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường tiềm năng của các nước Hồi giáo cụ thể là thị trường Indonesia. Vì vậy, Công ty đã quyết định lựa chọn và áp dụng tiêu chuẩn Halal của MUI, cụ thể là HAS 23000:2012 cho toàn bộ quá trình hoạt động, sản xuất và kinh doanh tại doanh nghiệp.
Lãnh đạo Công ty lương thực Long An làm việc với đoàn đánh giá chứng nhận (Văn phòng chứng nhận Halal)
Theo Lãnh đạo Công ty lương thực Long An, việc áp dụng Halal là không hề dễ dàng. Vì thế, ban lãnh đạo và toàn thể nhân viên đã phải nỗ lực rất nhiều để đáp ứng các yêu cầu khắt khe về quy trình sản xuất, nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, bao bì…cũng như đảm bảo và duy trì vệ sinh nhà xưởng, máy móc thiết bị được bảo dưỡng định kỳ, quy trình sản xuất khép kín, tuân thủ nguyên tắc 1 chiều, con người, nguồn nước, dư lượng thuốc BVTV, vi sinh, độc tố nấm mốc, kim loại nặng trong sản phẩm, động vật gây hại như chim, chuột...được kiểm soát một cách chặt chẽ.
Hiện tại, đến tháng 10/2024 đã có 02 doanh nghiệp hoàn thành xây dựng, áp dụng và được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng phù hợp theo tiêu chuẩn Halal (Công ty Lương thực Long An và Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư chanh Việt Long An); 05 Công ty hoàn thành việc xây dựng tiêu chuẩn cơ sở (Công ty CP hóa dầu Mekong; Công ty TNHH nông nghiệp Vaco; HTX nông nghiệp Nhơn Thạnh Trung; Công ty TNHH Vườn nhà mình; Công ty TNHH Dược liệu An Việt), 23 doanh nghiệp đang trong quá trình đánh giá nội bộ và hoàn thiện hồ sơ để đánh giá chứng nhận hệ thống.
Hình ảnh đơn vị chủ trì Trung tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ 2 thực hiện tư vấn tại doanh nghiệp
Bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng. Hằng năm, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ KHCN tổ chức các hội thảo, hội nghị với các chuyên đề về “Các hệ thống quản lý chất lượng có liên quan đến hoạt động Phát thải khí nhà kính; công cụ nâng cao năng suất chất lượng…”. Kết hợp với tuyên truyền các Chương trình, chính sách hỗ trợ về năng suất, chất lượng, đo lường cho các đơn vị, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm tạo sự lan tỏa của Chương trình nâng cao năng suất chất lượng đến với doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình.
Quang cảnh Hội thảo hội thảo phổ biến các hệ thống quản lý chất lượng liên quan đến hoạt động phát thải khí nhà kính
Năng suất, chất lượng – Giá trị cốt
Sự hỗ trợ từ Chương trình quốc gia nâng cao năng suất, chất lượng của Chính phủ đã giúp cộng đồng doanh nghiệp không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh và từng bước khẳng định vị thế trên thị trường. Nhờ đó, hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng đã không ngừng được lan tỏa. Nhiều doanh nghiệp đã giảm thiểu lãng phí trong quá trình sản xuất; tiết kiệm chi phí về nhân lực, thời gian, nguyên nhiên liệu, năng lượng, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất. Từ đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, từng bước khẳng định thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.
Trong thời gian tới, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất chất lượng,... góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế của tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An mong muốn tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia Chương trình./.