HOẠT ĐỘNG KIỂM TRA VIỆC XÂY DỰNG, ÁP DỤNG, DUY TRÌ VÀ CẢI TIẾN HỆ THỐNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG THEO TCVN ISO 9001:2015 TẠI CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN NĂM 2024
Kiểm tra việc xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 trong các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước (HCNN) là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện theo quy định tại Điều 9 Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2008 (nay là TCVN ISO 9001:2015) và Quyết định số 101/2019/QĐ-BKHCN ngày 21/01/2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc công bố Mô hình khung Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 cho các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước tại địa phương để kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế trong quá trình triển khai cung cấp dịch vụ hành chính công tại các cơ quan hành chính của tỉnh, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống HCNN.
Thực hiện chức năng Quản lý nhà nước theo thẩm quyền được giao trên địa bàn tỉnh, nhằm tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4112/QĐ-UBND ngày 25/4/2024 về việc phê duyệt Kế hoạch kiểm tra việc xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Long An năm 2024.
Theo kế hoạch trong năm 2024, việc kiểm tra HTQLCL được thực hiện theo 02 hình thức (kiểm tra thông qua hồ sơ và báo cáo; kiểm tra trực tiếp tại trụ sở cơ quan) tại 41 cơ quan hành chính nhà nước thuộc tỉnh, trong đó kiểm tra trực tiếp tại trụ sở 14 cơ quan, đơn vị và kiểm tra thông qua hồ sơ, báo cáo đối với 27 cơ quan, đơn vị hành chính khác thuộc diện bắt buộc của tỉnh theo đúng kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Khoa học và Công nghệ ban hành Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra của tỉnh (gồm: Sở Khoa học và Công nghệ và các Sở: Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, Tài chính) thực hiện kiểm tra trực tiếp tại trụ sở của 14 cơ quan, trong đó có 6 cơ quan cấp tỉnh (gồm: các Sở: Xây dựng; Giáo dục và Đào tạo; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ban Quản lý Khu kinh tế; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý Chất lượng nông sản) và 08 UBND cấp huyện (Thủ thừa, Châu Thành, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Cần Giuộc và Đức Huệ). Thời gian thực hiện kiểm tra từ ngày 17 tháng 7 năm 2024 đến ngày 31 tháng 10 năm 2024. Nội dung kiểm tra tập trung vào 02 vấn đề: Việc xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015; Việc tuân thủ Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Đ/c Võ Bửu Viết Cường, PGĐ Sở KH&CN phát biểu tại buổi kiểm tra ISO
Mục đích của công tác kiểm tra HTQLCL là nhằm đánh giá tình hình hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL tại các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2024; việc đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả của công tác xây dựng và áp dụng HTQLCL tại các cơ quan, đảm bảo tuân thủ các quy định và góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính tại các đơn vị. Đồng thời, qua đó kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL tại các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Long An.
Qua hoạt động kiểm tra, giúp cho Sở KH&CN tỉnh đánh giá được hiệu quả của việc áp dụng ISO trong hoạt động hành chính; đồng thời giúp người đứng đầu cơ quan, đơn vị hành chính dễ dàng giám sát, kiểm tra và định hướng chỉ đạo kịp thời khi phát sinh vướng mắc; đội ngũ cán bộ, công chức triển khai công việc và quản lý hồ sơ công việc một cách khoa học, rút ngắn thời gian xử lý các văn bản, giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng, đúng thời gian, từng bước cải tiến phương thức làm việc khi giải quyết các TTHC theo yêu cầu của tổ chức, công dân. Nhờ công cụ ISO, phương pháp chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã từng bước đổi mới theo hướng hiện đại hóa; hoạt động quản lý hành chính của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.Việc triển khai áp dụng ISO 9001 vào hoạt động các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh cũng giúp vận hành cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” hiệu quả hơn, nhất là ở khâu phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, tránh sự chồng chéo, từ đó rút ngắn thời gian giải quyết công việc, đảm bảo đúng luật, nâng cao mức độ hài lòng của người dân. Việc thu thập xử lý số liệu, sắp xếp, lưu trữ hồ sơ, tài liệu có hệ thống, khoa học, hợp lý hơn, giảm tình trạng bỏ sót, thất lạc, thuận lợi hơn trong việc tra cứu và cập nhật các văn bản mới…

Quang cảnh Đoàn kiểm tra ISO làm việc tại UBND huyện Thạnh Hóa
Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc áp dụng HTQLCL theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2015 trong hoạt động hành chính tại các cơ quan, đơn vị của tỉnh vẫn còn một số khó khăn, bất cập: Nhiều cán bộ, công chức làm công tác tham mưu, tổ chức thực hiện và theo dõi, kiểm soát HTQLCL của các cơ quan hành chính là kiêm nhiệm, thường xuyên có sự thay đổi, luân chuyển vị trí công tác, trong khi cán bộ, công chức mới chưa có kinh nghiệm và chưa được đào tạo kiến thức về ISO gây ảnh hưởng đến công tác áp dụng, duy trì, cải tiến HTQLCL. Tại một số đơn vị, ISO chưa thực sự gắn kết tốt với hoạt động cải cách hành chính, các quy trình quản lý nội bộ của cơ quan (theo mô hình khung của Bộ KH&CN) còn chưa được phát huy tối đa lợi ích của nó. Cụ thể như, một số đơn vị quy định việc kiểm soát tài liệu, kiểm soát hồ sơ của quy trình chưa phù hợp với thực tế giải quyết công việc; nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan thường xuyên thay đổi, đặc biệt là các lĩnh vực môi trường, đất đai, đầu tư... nên khó khăn trong việc cập nhật, sửa đổi quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính. Chưa có chế tài xử lý trong công tác xây dựng, áp dụng HTQLCL, nên việc thực hiện áp dụng, duy trì và cải tiến HTQLCL của một số đơn vị thực hiện chưa nghiêm túc, triệt để; chưa đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn và mô hình khung HTQLCL do Bộ KH&CN ban hành.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả áp dụng HTQLCL góp phần hiện đại hóa nền hành chính của tỉnh trong thời gian tới, đòi hỏi lãnh đạo các cơ quan, đơn vị hành chính của tỉnh cần quyết liệt hơn nữa trong việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát xây dựng, áp dụng, duy trì, cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng; xây dựng quy trình xử lý công việc khoa học, sát với thực tế chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ, công chức của các cơ quan, đơn vị hành chính trong việc tuân thủ các quy trình ISO; tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các nội dung công việc của các đơn vị, trên hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, phần mềm Quản lý hồ sơ hành chính tỉnh… và triển khai lưu trữ hồ sơ điện tử./.