TẠO DỰNG, XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU VÀ QUẢN LÝ CÁC TÀI SẢN TRÍ TUỆ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN GIAI ĐOẠN 2021-2022
Ngày nay, việc xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đang ngày càng được quan tâm và chú trọng, đặc biệt là đối với các sản phẩm đặc thù của các địa phương. Tại tỉnh Long An, các chương trình, chính sách hỗ trợ đăng ký xác lập quyền đối với tài sản trí tuệ đã và đang được triển khai thực hiện một cách tích cực. Bài viết này tổng kết về kết quả thực hiện đề tài tạo dựng, xác lập quyền sở hữu và quản lý các tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021-2022. Từ những kết quả đạt được, đây sẽ là cơ sở để các tổ chức quảng bá và phát triển thương hiệu cho sản phẩm.
1. Sự cần thiết triển khai nhiệm vụ.
Trong thời gian qua, chủ trương xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm địa phương nói chung và các sản phẩm của các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long nói riêng cũng đã giúp các địa phương hình thành được các tổ chức tập thể như Hội/Hiệp hội, thúc đẩy sự phát triển các Hợp tác xã (HTX), kết nối vào các chương trình lớn của Nhà nước như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đồng thời góp phần giúp các chủ thể như HTX, doanh nghiệp, hộ gia đình tổ chức sản xuất và phân phối các sản phẩm trên thị trường.
Được sự quan tâm của UBND tỉnh Long An và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An, tính đến 4/2023, toàn bộ tỉnh Long An đã 96 đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể (NHTT) và nhãn hiệu chứng nhận (NHCN) đã được nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ. Trong đó, đã có 83 nhãn hiệu được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ. Hiện có nhiều sản phẩm mang nhãn hiệu địa danh có chỗ đứng trên thị trường như khoai mỡ của HTX Dịch vụ nông nghiệp Bến Kè (Thạnh Hóa); "Khóm Thủ Thừa" của HTX Khóm Thủ Thừa; sản phẩm rau, củ, quả "Mỹ Thạnh" của HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh; sản phẩm Thanh Long của HTX Dương Xuân; đặc biệt nhãn hiệu "Thanh long Tầm Vu, Châu Thành" của HTX Thanh long Tầm Vu được 5 nước: Mỹ, Pháp, Nhật, Singapore, Trung Quốc chấp nhận bảo hộ.
Với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế tập thể theo chủ trương chung của Trung ương và của tỉnh Long An, việc hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức NHTT cho các HTX là phù hợp với nhu cầu thực tế. Do vậy, việc xây dựng đề tài “Tạo dựng, xác lập quyền sở hữu và quản lý các tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021 - 2022” là một việc làm cần thiết và cấp bách. Đề tài ra đời nhằm mục đích tiếp tục hỗ trợ các Hợp tác xã/Tổ chức tập thể của tỉnh Long An trong việc đăng ký xác lập quyền đối với các nhãn hiệu tập thể, đăng ký quyền tác giả, đồng thời hỗ trợ các tổ chức tiếp cận được với người tiêu dùng và các cơ sở kinh doanh ở trong và ngoài tỉnh, chủ động trong việc tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế cho địa phương và các HTX trên địa bàn.
2. Mục tiêu của đề tài.
Tạo dựng, xác lập quyền sở hữu và quản lý các tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021 – 2022 bao gồm 04 Nhãn hiệu tập thể (“NHTT”) và 01 Quyền tác giả cho các Hợp tác xã/ Tổ chức tập thể trên địa bàn tỉnh Long An. Theo đó, kết quả đạt được là 04 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và 01 Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.
3. Nội dung thực hiện.
Đề tài “Tạo dựng, xác lập quyền sở hữu và quản lý các tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021 – 2022” bao gồm các công việc sau đây:
- Khảo sát, thu thập thông tin về loại hình, thị trường, chất lượng đặc thù của sản phẩm thực hiện xác lập quyền sở hữu trí tuệ;
- Thiết kế logo cho NHTT và Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng cho Hợp tác xã/ Tổ chức tập thể;
- Xác lập quyền sở hữu và quản lý các tài sản trí tuệ;
- Tổng hợp kết quả thực hiện đề tài.
4. Kết quả thực hiện của đề tài.
Sau thời gian thực hiện đề tài, có 4 Hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và 01 Hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận bản quyền tác giả với thông tin như sau:
- Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất Thương mại Dịch vụ Xuất khẩu Bình Tâm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 461340 cho Nhãn hiệu tập thể “Gấc Rau - Củ - Quả Bình Tâm, hình”.
- Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thiết được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 462920 cho Nhãn hiệu tập thể “Tân Thiết Gạo sạch Hợp tác xã nông nghiệp, hình”;
- Hợp tác xã dịch vụ thương mại nông nghiệp Cây Trôm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 439720 cho Nhãn hiệu tập thể “Gạo Sạch Cây Trôm, hình”;
- Hợp tác xã nông nghiệp Hòa Phú được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 511055 cho Nhãn hiệu tập thể “Hợp tác xã nông nghiệp Hòa Phú”;
- Chi hội nghề nghiệp dừa xiêm đỏ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả số 9276/2022/QTG cho tác phẩm mỹ thuật ứng dụng “Dừa xiêm đỏ Nhơn Hậu”.
5. Ý nghĩa của đề tài.
Đề tài góp phần nâng cao giá trị thương hiệu cho các sản phẩm đặc thù của các Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Long An. Đồng thời giúp người tiêu dùng trong và ngoài nước được sử dụng các sản phẩm đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời nhiệm vụ thực hiện hiệu quả còn tạo công ăn việc làm cho người dân, giúp họ yên tâm với nghề của mình. Nâng cao giá trị cho sản phẩm truyền thống, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Hiệu quả kinh tế: Việc xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể cho các Hợp tác xã giúp nâng cao khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh tế bền vững cho người sản xuất và kinh doanh tại các thành phố & huyện của tỉnh Long An.
Việc bảo hộ NHTT sẽ góp phần đảm bảo uy tín và chất lượng của sản phẩm trên thị trường và đem lại một số lợi ích như:
- Chất lượng sản phẩm được đảm bảo sẽ giúp cho sản phẩm làm ra tiêu thụ được tốt hơn và từ đó đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
- Bảo hộ sở hữu trí tuệ giúp các tổ chức, cá nhân trồng và kinh doanh lúa và trái cây các huyện tránh rơi vào những tranh chấp gây lãng phí thời gian và chi phí kéo dài.
- Hiệu quả khi mở rộng khả năng ứng dụng: Thành công của nhiệm vụ sẽ góp phần vào công cuộc xoá đói giảm nghèo và hiện đại hoá ngành nông nghiệp tại các huyện thành phố có sản phẩm được hỗ trợ nói riêng và tỉnh Long An nói chung.
6. Phương hướng trong thời gian tới.
Việc xác lập tài sản trí tuệ là bước đầu để các tổ chức xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu trên thị trường. Trong quá trình sử dụng, cần nghiêm túc thực hiện hoạt động quản lý và sử dụng nhãn hiệu, duy trì chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu tập thể, bảo vệ tài sản trí tuệ, xúc tiến thương mại,… nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân nói riêng và địa phương nói chung./.
Tác giả: Trần Thị Hường
Chi nhánh Công ty Cổ phần Sở hữu công nghiệp Investip (TP. Hà Nội)
Hình ảnh các Giấy chứng nhận được cấp cho các HTX