GIẢI PHÁP TĂNG THANH NIÊN THAM GIA HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ -TIẾP CẬN TỪ MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN THỦ THỪA, TỈNH LONG AN
1. Đặt vấn đề
Huyện Thủ Thừa là một trong 15 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Long An, có diện tích tự nhiên 29.879,7 ha, cách thành phố Tân An 10 km và cách thành phố Hồ Chí Minh 45 km. Sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ Thừa gắn liền với quá trình khai thác đất hoang, di dân xây dựng vùng kinh tế mới của tỉnh. Toàn huyện hiện có 42.712 thanh niên (TN), chủ yếu là nông thôn 18.228 TN; 12.820 TN công nhân; 10.271 thanh niên học sinh, sinh viên; còn lại là TN lực lượng vũ trang; cán bộ, công chức, viên chức. Phần lớn TN sống có lý tưởng, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và sự phát triển của huyện nhà; không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ; sẵn sàng đảm nhận những việc mới, việc khó, biết sẻ chia, chung sức cùng cộng đồng xã hội. Thời gian qua, công tác lãnh chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, huyện đoàn quan tâm đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về nghề nghiệp và việc làm cho TN, tổ chức tư vấn hướng nghiệp, tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giới thiệu mô hình hay trong sản xuất, kinh doanh được chú trọng, phối hợp hỗ trợ nguồn vốn cho TN lập thân, lập nghiệp phát triển kinh tế từ nguồn vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm và Ngân hàng Chính sách xã hội. Tuy nhiên, trước yêu cầu đối với hoạt động KH&CN theo Chương trình phát triển thanh niên, nhiệm vụ nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra, TN tham gia hoạt động KH&CN còn hạn chế, chưa thu hút tập hợp TN tham gia nghiên cứu khoa học, cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” năm 2020, năm 2021 huyện không có bài dự thi (có nguyên nhân khách quan dịch covid 19); năm 2022: 7 bài; năm 2023: 10 bài; chất lượng bài thi chưa cao…… Nguyên nhân cơ bản do TN chưa tiếp cận được thông tin về hoạt động KH&CN, công tác tư vấn, hỗ trợ trong nghiên cứu, mặt khác bản thân TN chưa quen chưa tìm hiểu về hoạt động nghiên cứu khoa học. Nhằm tìm biện pháp khắc phục vấn đề trên, nhất là tập trung làm rõ những vướng mắc, khó khăn, hạn chế và phân tích nguyên nhân, cùng với trao đổi kinh nghiệm, nhu cầu thực tiễn của huyện đoàn, mô hình thí điểm tăng TN tham gia hoạt động KH&CN được triển khai thực hiện.
2. Các biện pháp thực hiện của mô hình
Thứ nhất, chủ động, tích cực xây dựng, triển khai các Kế hoạch phối hợp với Tỉnh đoàn; huyện ủy Thủ Thừa, huyện đoàn Thủ Thừa thực hiện tập huấn, tuyên truyền, đi nghiên cứu thực tế, tổ chức hội thảo khoa học, lập và duy trì hoạt động câu lạc bộ…. chuẩn bị cho TN tham gia Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới ý tưởng sáng tạo” tỉnh Long An lần thứ V, năm 2024.
Thứ hai, tổ chức hội nghị tuyên truyền, tập huấn cho TN về: (1) Thực tiễn và kinh nghiệm TN đề xuất các ý tưởng, sáng kiến KH&CN; TN với việc ứng dụng, triển khai ý tưởng, sáng kiến, công trình khoa học phục vụ sản xuất và đời sống. (do Tiến sĩ Trần Thanh Thy, Phó Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp Đại học Tân Tạo, trường Đại học Tân Tạo báo cáo). (2) Triển khai phổ biến các chính sách KH&CN có liên quan trong hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025 (do Thạc sĩ Lê Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm ứng dụng, kỹ thuật, khoa học và công nghệ trực thuộc Sở Khoa học và công nghệ báo cáo)
Thứ ba, tổ chức TN đi nghiên cứu thực tế, học tập kinh nghiệm tại Trung tâm KH&CN trẻ thành phố Hồ Chí Minh với nội dung trao đổi “Thực tiễn công tác tổ chức cho TN tham gia hoạt động ứng dụng, triển khai ý tưởng sáng tạo, công trình khoa học phục vụ đời sống trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh” và tham quan mô hình hoạt động KH&CN tiêu biểu.
Thứ tư, thành lập và đưa vào hoạt động câu lạc bộ ý tưởng, sáng tạo nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp; lập kế hoạch thực hiện. Mục đích nhằm tạo không gian cho TN học hỏi, trao đổi, phát triển cách nhìn mới, những ý tưởng sáng tạo, đổi mới, khởi nghiệp; cung cấp cập nhật những thông tin, kiến thức về KH&CN; về các cuộc thi dành cho đối tượng TN trên địa bàn tỉnh Long An …Thành viên câu lạc bộ: ngoài Ban chủ nhiệm đề tài, có đại diện Tỉnh đoàn, Huyện đoàn Thủ Thừa, Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin khoa học và công nghệ tỉnh; đoàn TN, học sinh trường THPT Mỹ Lạc, THPT Thủ Thừa… với tổng số là 29 thành viên.
Kết quả: Qua hơn 7 tháng hoạt động, câu lạc bộ đã có 7 bài dự thi (vượt 2 so kế hoạch đề ra) tham gia cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới ý tưởng sáng tạo” tỉnh Long An lần thứ V, năm 2024 (đính kèm bài dự thi) trong tổng số 17 bài dự thi của huyện Đoàn. Trải qua vòng thẩm định có 2/7 sản phẩm vào vòng bán kết; 01 sản phẩm “Thực phẩm chức năng từ rau bợ” của tác giả Phạm Nguyễn Bảo Thy và Trần Thị Vân Khánh (trường THPT Mỹ Lạc) đã đạt giải khuyến khích. Kết quả này so với tương quan các huyện, thị xã, thành phố, năm 2024 huyện đoàn Thủ Thừa có chuyển biến tích cực về số lượng, chất lượng bài dự thi, đây là thành công bước đầu của mô hình, cụ thể: tăng 8 bài thi (chiếm 80%) so năm 2023, tăng 11 bài thi (chiếm 114%) so năm 2022. Điều này cho thấy việc thực hiện mô hình đã góp phần đem lại hiệu quả tăng thanh niên tham gia hoạt động KH&CN.
3. Một số vấn đề rút ra từ mô hình
Đánh giá kết quả mô hình, có một số vấn đề kinh nghiệm được rút ra như sau:
Thứ nhất, câu lạc bộ ý tưởng, sáng tạo nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp là là diễn đàn, sân chơi quan trọng và rất bổ ích cho TN, thông qua câu lạc bộ TN thực hiện được đam mê yêu thích nghiên cứu khoa học của bản thân. Việc chú trọng cập nhật thường xuyên tình hình KH&CN tỉnh, gặp gỡ trao đổi thông tin, giao tiếp, động viên khuyến khích sự quan tâm TN, tạo thói quen và kết nối TN về KH&CN. Câu lạc bộ đã thu hút, tập hợp được những TN cùng sở thích, với việc duy trì nền nếp hoạt động thông tin, tạo tâm lý tự tin không có tâm lý dè dặt khi tham gia sinh hoạt, thích tương tác, hầu hết TN tự nguyện, xin được mời bạn vào câu lạc bộ, gia tăng thành viên.
Thứ hai, lập và kết nối thành viên câu lạc bộ qua nền tảng số, nhóm zalo. Phát huy vai trò câu lạc bộ trong tuyên truyền, hỗ trợ TN tiếp cận hoạt động KH&CN. Thường xuyên cập nhật các thông tin liên quan hoạt động KH&CN giúp TN nhận thức, biết nhiều hơn, cập nhật được nhiều kiến thức, thông tin mới. Chẳng hạn thông tin các hội thảo khoa học; các chính sách, hỗ trợ của tỉnh Long An về nghiên cứu khoa học; kết quả Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo” tỉnh Long An lần I, II, III, IV, Kế hoạch phối hợp tổ chức Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo “ tỉnh Long An lần thứ V, năm 2024… Những thông tin giúp TN hiểu tổng quan nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh: số lượng thí sinh dự thi, nội dung bài thi, kết quả thi,… Thông tin các diễn đàn khác mà TN có thể tham gia của Hội nông dân, Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh; Sở Khoa học và Công nghệ… Hướng đến hỗ trợ TN học hỏi, chọn lựa vấn đề nghiên cứu, tránh trùng lặp, tư vấn nghiên cứu cần ai giúp, giúp việc gì? Nội dung nghiên cứu phải đảm bảo các yếu tố cơ bản có tính mới, hiệu quả áp dụng, khả năng áp dụng trong sản xuất kinh doanh..... Do đó, câu lạc bộ đã kết nối và được Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin khoa học, công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) hỗ trợ tích cực, hiệu quả. Bên cạnh việc đa dạng hình thức tổ chức gặp gỡ trao đổi TN tại trường THPT Thủ Thừa, tham quan 02 dự án ở xã Mỹ Thạnh (trồng mai và nuôi cá trê, kết nối sinh thái và phát triển kinh tế xã hội; trồng chanh không hạt áp dụng kỹ thuật hữu cơ).
Thứ ba, mọi ý tưởng, dự án bài thi của TN đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, từ quan sát, tiếp cận để nảy sinh ý tưởng, do đó để tăng số lượng, chất lượng bài dự thi của TN cần làm tốt công tác tổ chức tham quan, học tập trải nghiệm thực tiễn; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, có thể tiếp cận từ nhu cầu đặt hàng. Mặt khác, các nghiên cứu, mô hình khởi nghiệp trải rộng ở các lĩnh vực khác nhau như sức khoẻ, nông nghiệp, môi trường, cộng đồng xã hội… có quy mô thực hiện đa dạng, tính chất phức tạp nhưng bên cạnh đó cũng có ý tưởng, dự án còn sơ khai, chỉ mới phát hiện những khó khăn, bất cập. Điều này cho thấy rất nhiều cơ hội để tiếp cận với các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau trong việc tìm tòi tri thức mới, đề xuất những ý tưởng sáng tạo mới. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền từ những tấm gương người thực việc thực đã đạt những thành tích tiêu biểu, nổi trội nhằm khắc phục lối mòn suy nghĩ, tâm lý khoa học phải là cao siêu, phi thường chưa ai nghĩ ra và nghiên cứu khoa học rất khó, không thể làm được.
Thứ tư, câu lạc bộ bao gồm đoàn TN và học sinh THPT, kết quả có 5/7 bài thi TN là học sinh THPT (chiếm tỷ lệ 71%), trong đó có 01 bài thi đạt giải khuyến khích. Thực tiễn cho thấy, đối tượng tiềm năng lớn, có khả năng đề xuất các ý tưởng tốt nhất hiện nay TN học sinh, do môi trường học tập, cộng thêm có sự tư vấn của thầy cô nên TN có đam mê, yêu khoa học, biết sắp xếp thời gian hợp lý, có sự hỗ trợ kịp thời thầy cô thì việc việc đề xuất và triển khai ý tưởng không ảnh hưởng đến việc học và để có bài thi tốt, đạt chất lượng. Đây là lợi thế của nhóm TN là học sinh hơn các đối tượng là đoàn viên TN khác do còn phải lo ưu tiên mưu sinh, kinh tế gia đình, không thể tham gia hoạt động KH&CN vì yếu tố rủi ro, mất thời gian.
Thứ năm, phần lớn các ý tưởng xuất phát từ TN đầy tính sáng tạo, kiến thức tốt nhưng lại yếu về kỹ năng triển khai, quản lý. Khi triển khai chưa phân bổ hợp lý thời gian nghiên cứu thường tập trung giai đoạn đầu, hoặc gần cuối thời gian dự thi. Khó khăn lớn nhất của TN là chưa có kinh nghiệm, do đó, trong quá trình thực hiện TN cần tư vấn trong triển khai ý tưởng, dự án; hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị; cần được chia sẽ, giới thiệu tài liệu nghiên cứu khoa học liên quan, khích lệ, hỗ trợ, hướng dẫn TN hoàn thiện bài thi file word, PowerPoint; cách trình bày tự tin… nếu không thường xuyên theo dõi, bài thi sẽ không hoàn thành và đạt chất lượng.
Thứ sáu, kế hoạch cuộc thi chỉ diễn ra trong vòng 4 tháng (từ tháng 6- 10/2024), điều này với dự án cần nhiều thời gian hơn so ý tưởng để có bài thi, tránh thiếu tập trung, trông chờ Tỉnh đoàn phát động, giao chỉ tiêu. Do đó, để có số lượng bài thi đông, chất lượng tốt, thì ngay từ đầu năm Huyện đoàn tích cực, chủ động hơn nữa để nắm được các nhóm TN yêu thích nghiên cứu, ươm mầm ý tưởng, kết nối để TN được trao đổi, tư vấn nghiên cứu, có điều kiện nghiên cứu, hoàn thiện bài thi.
Thứ bảy, tăng cường vai trò Huyện đoàn trong chủ động tiếp cận thanh niên có đam mê nghiên cứu; có sự theo dõi, tiếp tục nuôi dưỡng các nghiên cứu sáng tạo, hạn chế việc khó khăn mà bỏ cuộc, theo phong trào; phối hợp duy trì website tôn vinh những kết quả thanh niên nghiên cứu khoa học. Tranh thủ phối hợp chặt chẽ sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan để kết nối hoạt động KH&CN với Sở khoa học và công nghệ; Hội Doanh nhân trẻ tỉnh… tổ chức các hội thảo, sinh hoạt chuyên đề tạo điều kiện TN được tư vấn chuyên môn, tài chính, cơ sở thí nghiệm, đánh giá kết quả nghiên cứu.
Thứ tám, để có được nhiều TN tham gia cuộc thi, hoạt động nghiên cứu khoa học thì sự quan tâm của nhà trường, của gia đình không thể thiếu; sự phối hợp chặt chẽ gia đình với nhà trường tiếp sức cho TN, nhất TN là học sinh có điều kiện an tâm học tập, tham gia các diễn đàn khoa học, phát triển tư duy độc lập, sáng tạo, định hướng nghề nghiệp tương lai.
Thứ chín, triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm khi thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, ươm mầm và phát triển các ý tưởng từ TN.
Tóm lại, việc TN tham gia các hoạt động KH&CN, đề xuất các ý tưởng thm gia các cuộc thi trên địa bàn huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An nhưng xuất phát từ thực tiễn địa phương, gắn liền với đời sống, nhu cầu của xã hội nên có tính ứng dụng tương đối cao, tuy nhiên vẫn còn khá khiêm tốn. Thời gian tới, để TN tham gia nhiều hơn hoạt động KH&CN cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và có sự tham gia phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức có liên quan. Đồng thời từ những vấn đề rút ra qua triển khai mô hình thí điểm này, chúng ta tin tưởng rằng sẽ ngày càng nhiều TN tích cực tham gia hoạt động KH&CN góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, giá trị xã hội, qua đó cổ vũ, truyền cảm hứng cho nhiều TN lập thân, lập nghiệp, góp phần tạo dựng những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng và xã hội./.
Thanh niên - phụ lục-299655.docx
ThS. Phan Thị Xuân Lan - Trường Chính trị tỉnh Long An
Một số hình ảnh các hoạt động do câu lạc bộ thực hiện