Chương
trình ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh của các
doanh nghiệp nhằm mở rộng thị trường của các doanh nghiệp trong điều
kiện hiện nay là chủ đề cuộc họp đã được tổ chức tại thành phố Hồ Chí
Minh.
Tại
cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân
đã đề nghị các sở ngành, các viện, trường của thành phố tăng cường hỗ
trợ doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh
doanh; tăng cường liên kết giữa các viện, trường với các doanh nghiệp;
đồng thời các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc liên kết với
các viện, trường trong phát triển khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, các
sở ngành, doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết để phát triển, hợp
tác với thị trường các nước để không lệ thuộc vào một thị trường duy
nhất. Các doanh nghiệp cũng cần tiếp tục nghiên cứu các thị trường lớn
và mới.
Theo
Sở Khoa học và Công nghệ thành phố, trong những năm qua, việc đầu tư,
đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố đã
có kết quả tích cực, nâng cao cả về chất lượng và số lượng.
Từ
năm 2008-2013, Chương trình chế tạo thiết bị sản phẩm thay thế nhập
khẩu của Ủy ban Nhân dân thành phố đã có sức lan tỏa rất lớn, 13 doanh
nghiệp đã tham gia đầu tư 64,9 tỷ đồng cho chương trình chế tạo thiết
bị, sản phẩm thay thế nhập khẩu; 100% đề tài, dự án của Chương trình chế
tạo thiết bị sản phẩm thay thế nhập khẩu đều có địa chỉ ứng dụng tại
doanh nghiệp; trong đó 82,7% các dự án thực hiện thuộc các ngành ưu tiên
của thành phố như cơ khí, điện tử-công nghệ thông tin, hóa dược,
nhựa-cao su...
Chương
trình chế tạo robot đã từng bước giúp doanh nghiệp tiếp cận khoa học
công nghệ trong các lĩnh vực điện tử, cơ khí, công nghệ thông tin nhằm
tiến tới làm chủ công nghệ tự động hóa trong sản xuất công nghiệp, nông
nghiệp và dịch vụ...
Đến
nay, đã có 70 doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển khoa học và công
nghệ của doanh nghiệp, theo Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí
Minh. Trong đó, có 29 doanh nghiệp đã trích lập quỹ với tổng số tiền
380,7 tỷ đồng. Riêng đầu tư cho đổi mới công nghệ, thiết bị,.. Quỹ đã
chi tổng cộng 124,3 tỷ đồng.
Các
doanh nghiệp trên địa bàn đã quan tâm hơn đến việc trích lập quỹ để đầu
tư cho các hoạt động khoa học và công nghệ của chính doanh nghiệp mình
nhằm phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Nếu có nhiều
doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ sẽ tạo nguồn
lực đáng kể lớn hơn nhiều so với nguồn ngân sách thành phố đầu tư cho
nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới công nghệ.
Tuy
nhiên, trên thực tế, số doanh nghiệp tham gia chương trình còn ít.
Nguyên nhân chủ yếu do việc tái cấu trúc doanh nghiệp hiện còn khó khăn
vì khả năng tài chính doanh nghiệp còn hạn chế; vấn đề hàng gian, hàng
lậu, hàng giả, kém chất lượng, tình trạng gian lận thương mại đã cản trở
doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng khoa học vào các mặt hàng chất lượng cao.
Chính sách thu hút chuyên gia tại các viện, trường để hỗ trợ, đào tạo
cho các doanh nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế./.
Trích Báo Khoa học và Phát triển Số 25(796) từ ngày 19-25/6/2014