THAM DỰ TỌA ĐÀM NÔNG NGHIỆP SÁNG TẠO CHO PHÁT TRIỂN XANH VÀ BỀN VỮNG
Sở Khoa học và Công nghệ đã cử đại biểu tham dự Tọa đàm “Nông nghiệp sáng tạo cho phát triển xanh và bền vững” tại Tòa nhà Phức hợp Phòng thí nghiệm (RLC), Trường Ðại học Cần Thơ. Buổi tọa đàm do Trường Nông nghiệp – Trường Đại học Cần Thơ phối hợp cùng Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau tổ chức.
Sáng ngày 27/9, Sở Khoa học và Công nghệ đã cử đại biểu tham dự Tọa đàm “Nông nghiệp sáng tạo cho phát triển xanh và bền vững” tại Tòa nhà Phức hợp Phòng thí nghiệm (RLC), Trường Ðại học Cần Thơ. Buổi tọa đàm do Trường Nông nghiệp – Trường Đại học Cần Thơ phối hợp cùng Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau tổ chức.
Các diễn giả tại phiên thảo luận của buổi tọa đàm
Buổi tọa đàm đã thu hút sự quan tâm và tham dự của đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị như Cục Trồng trọt, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, các Thầy cô, đại diện doanh nghiệp quan tâm lĩnh vực nông nghiệp. Theo các chuyên gia, nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với những bất lợi từ biến đổi khí hậu; suy thoái nguồn tài nguyên nước; phương thức canh tác thâm canh, độc canh, tăng vụ và lạm dụng hóa chất nông nghiệp… Trong khi đó, phát triển nông nghiệp xanh là xu hướng tất yếu và yêu cầu bắt buộc trong sản xuất, xuất khẩu nông sản và hội nhập kinh tế quốc tế. Tham dự buổi tạo đàm, đại biểu được nghe các chuyên gia trình bày 4 tham luận gồm: (1) Sản xuất lúa gạo bền vững tại Việt Nam trong điều kiện biến đổi khí hậu; (2) Tăng trưởng xanh và sản xuất lúa ở đồng bằng sông Cửu Long; (3) Giảm phát thải khí nhà kính: Thách thức và cơ hội trong phát triển chăn nuôi bền vững; (4) Kiểm soát dịch bệnh động vật theo hướng an toàn sinh học và nông nghiệp tuần hoàn, xây dựng chuỗi “chăn nuôi xanh”. Các bài tham luận được trình bày tại buổi tọa đàm đã tập trung làm rõ các khía cạnh, tầm nhìn và định hướng về đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa tập trung; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn gắn với công nghiệp chế biến, liên kết theo chuỗi giá trị. Ðây cũng là dịp để các nhà khoa học và các đơn vị quản lý địa phương cũng như các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp kết nối, hợp tác xây dựng những mô hình nông nghiệp sáng tạo, xanh và bền vững.

Đại biểu quan tâm tham dự buổi tọa đàm
Ðể phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030; đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ÐBSCL đến năm 2030… Ðiều đó cho thấy, Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đã và đang thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, tuần hoàn. Để đạt được mục tiêu đề ra, các địa phương cần đề cao yếu tố sáng tạo, quyết liệt trong xây dựng, triển khai các giải pháp tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực và kiến tạo những động lực mới thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, bền vững. Ðồng thời, chú trọng xây dựng và phát triển các doanh nghiệp hợp tác xã, công nhân nông nghiệp, phát triển cộng đồng sản xuất nông sản chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, trên nền tảng tôn tạo, phát triển văn hóa, truyền thống của địa phương… ./.
Một số hình ảnh ghi nhận tại buổi tọa đàm
TS. Thái Quốc Hiếu – Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang trình bày tham luận tại buổi tọa đàm
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Tổ chức buổi tọa đàm
Đại biểu tham gia thảo luận về các vấn đề được trình bày tại buổi tọa đàm
Đại biểu tham gia thảo luận về các vấn đề được trình bày tại buổi tọa đàm