image banner
Báo cáo khoa học “Tài liệu kỹ thuật về ương và nuôi thương phẩm lươn đồng tại vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An”
Lượt xem: 74
BÁO CÁO KHOA HỌC"Tài liệu kỹ thuật về ương và nuôi thương phẩm lươn đồng tại vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An"I. KỸ THUẬT ƯƠNG LƯƠN TỪ BỘT LÊN GIỐNG1. Ương từ lươn bột lên giống cỡ nhỏ+ Hệ thống bể ươngThực hiện mô hình được bố trí trong các bể nhựa (0,4 x 0,6 x 0,4 m) có thể tích 50 L nước/bể, với 20 lít nước ương được nối kết với hệ thống lọc sinh học tuần hoàn nước

BÁO CÁO KHOA HỌC

"Tài liệu kỹ thuật về ương và nuôi thương phẩm lươn đồng

tại vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An"


I. KỸ THUẬT ƯƠNG LƯƠN TỪ BỘT LÊN GIỐNG

1. Ương từ lươn bột lên giống cỡ nhỏ

+ Hệ thống bể ương

Thực hiện mô hình được bố trí trong các bể nhựa (0,4 x 0,6 x 0,4 m) có thể tích 50 L nước/bể, với 20 lít nước ương được nối kết với hệ thống lọc sinh học tuần hoàn nước sử dụng giá thể chuyển động bao gồm bể lắng chất rắn, bể chứa giá thể và bể chứa nước đã lọc quay trở lại bể ương, thể tích nước hệ thống lọc chiếm khoảng 40 - 50% thể tích nước ương. Giá thể để lươn bám là dây nylon có thể tích khoảng 15 – 20% thể tích bể ương, dây nylon được xử lý trước khi ương và vệ sinh trong thời gian ương.

 Thanhdung1.PNG

Hình 1: Hệ thống ương lươn bột lên giống

+ Hệ thống lọc với giá thể chuyển động

Đây là mô hình có qui mô khoảng 1 - 2 m3 nước/hệ thống, được thực hiện trên các bể nhựa (50L), trong đó thể tích nước ương mỗi bể là 20 lít để ương lươn bột thành lươn giống cỡ nhỏ, sử dụng bể coposite làm hệ thống lọc sinh học, thể tích hệ thống lọc khoảng 1 - 1,2 m2 (bao gồm các ngăn chứa chất thải rắn, ngăn chứa giá thể lọc, ngăn chứa nước sau lọc). Chất thải rắn (phân, thức ăn thừa) sẽ được thu gom qua chứa chất thải rắn. Hệ thống lọc sinh học kiểu lọc giá thể chuyển động, được thiết kế để xử lý lượng thức ăn cấp vào hệ thống từ 5 - 6 kg/ngày. Hệ thống hoạt động liên tục nhờ hệ thống bơm nước từ bể chứa thải rắn bơm qua bể chứa giá thể lọc, vật chất hữu cơ bám vào bề mặt của giá thể, chất sục khí kéo nước nên tiêu hao năng lượng thấp.

Thanhdung2.PNG 

Hình 2: Hệ thống lọc với giá thể chuyển động

Nguyên lý hoạt động của lọc sinh học là nước từ các bể nuôi được thay liên tục khi đi qua các giá bể lọc nhờ các tác nhân sinh học (vi khuẩn) sẽ biến các hợp chất chứa ammonia (NH3 độc) thành nitrate (NO3- không độc) và quay lại bể nuôi nên chỉ cần một lượng nước nhất định cho suốt chu kỳ nuôi. Vật chất hữu cơ trong nước được lắng ở bể chứa chất thải, nước tiếp tục được chải qua bể chứa giá thể chuyển động, tại đây vật chất hữu cơ bám trên bề mặt các giá thể và được phân hủy bởi hệ vi khuẩn có lợi, nước tiếp tục qua bể chứa trước khi về bể nuôi. Trong các bể chứa giá thể, bể chứa nước có sụt khí giúp vi khuẩn phân phân giải hàm lượng đạm trong NH3 thành NO3 sau đó nước được cấp trở lại hồ nuôi. 

+ Lươn bột

Mùa vụ: Lươn sinh sản vào tháng 3 - 4 âm lịch, nên có thể bắt lươn bột thả ương.

Lươn bột được chọn để nuôi là từ hoạt động sinh sản bán nhân tạo ở các trại sản xuất giống. Lươn bột khỏe mạnh, kích thước tương đối đồng điều, lươn bột sau khi hết noãn hoàn bắt đầu ăn ngoài được dùng để làm thực hiện.

 Thanhdung3.PNG

Hình 3: Lươn bột

+ Thức ăn

Lươn ương sử dụng các loại thức ăn như trứng nước, trùn chỉ, artemia, trùn quế và thức ăn viên công nghiệp loại 44% đạm.

Giai đoạn đầu sau khi hết noãn hoàng 7- 20 ngày tuổi lươn bột được cho ăn bằng Moina (trứng nước) và những động vật cỡ nhỏ khác với khẩu phần dao động từ 120 - 150% khối lượng/ngày.

Giai đoạn từ 20-60 ngày tuổi lươn con được cho ăn bằng trùn chỉ, artemia đông với khẩu phần khoảng 70 - 80% khối lượng/ngày.

Thanhdung4.PNG Thanhdung41.PNG

Hình 4: Trứng nước, trùn chỉ làm thức ăn cho lươn bột

Giai đoạn từ 60 - 90 ngày lươn ương được cho ăn bằng trùn quế hoặc cá biển xay với khẩu phần khoảng 40-50% khối lượng/ngày. Trùn quế được cắt thành các khối nhỏ để cho lươn con bắt mồi dễ hơn. Đồng thời tập cho ăn bằng thức ăn công nghiệp loại 40-46% protein, kích cỡ viên thức ăn là 0,6 - 1 mm, với khẩu phần cho ăn là 4 - 7% khối lượng/ngày.

Bảng 1: Thức ăn, thời gian thay đổi thức ăn, khẩu phần ăn và nhịp cho lươn ăn

Thanhdungb1.PNG

Thanhdung5.PNG Thanhdung51.PNG

Hình 5: Cá biển xay và thức ăn công nghiệp

Cá biển xay: Cá nục tươi, chỉ lấy phần thịt cá (bỏ phần đầu, đuôi và xương) xay nhuyễn (1-2 lần), sau đó phết thành viên nhỏ (Hình 4) cho lươn giống ăn, thức ăn thừa được vốt ra sau 2 giờ. Khi lươn giống đạt khối lượng khoảng 2- 3 g/con, phân cỡ và tiếp tục ương tiếp theo, giai đoạn này là giai đoạn tập cho lươn giống ăn thức ăn công nghiệp.

+ Cách tập cho lươn ăn thức ăn công nghiệp

Thời gian tập cho lươn ăn thức ăn công nghiệp khi lươn giống đạt khối lượng khoảng 1,5 g/con (đây là thời điểm tốt nhất vì hệ thống tiêu hóa của lươn đã phát triển đầy đủ), cách tập ăn như sau: mỗi ngày giảm dần 20% thức ăn cá nục xay hoặc trùn quế, sau 5 ngày sẽ giảm 100% (thay thế hoàn toàn bằng thức ăn chế biến).

- Ngày 1: 20% thức ăn chế biến và 80% cá nục xay hoặc trùn quế;

- Ngày 2: 40% thức ăn chế biến và 60% cá nục xay hoặc trùn quế;

- Ngày 3: 60% thức ăn chế biến và 40% cá nục xay hoặc trùn quế;

- Ngày 4: 80% thức ăn chế biến và 80% cá nục xay hoặc trùn quế;

- Ngày 5: 100% thức ăn công nghiệp loại 40 - 45 protein.

Thanhdung6.PNG 

Hình 6: Thức ăn cá biển xay nhuyễn kết hợp với thức ăn công nghiệp

+ Chăm sóc và quản lý

Thức ăn là trứng nước và trùn chỉ trước khi cho ăn phải được rửa sạch khoảng 1 - 2 lần, trùn và trứng phải được cho ăn khi thức ăn còn tươi sống. Trùn quế được giữ trong các tủ đông và được rã đông trước khi cho ăn.

Thức ăn tươi sống và thức ăn công nghiệp được bổ sung thêm vitamin C và premixe khoảng 5 g/kg thức ăn.

Định kỳ khoảng 15 ngày/lần xả đáy ở bể lắng chất thải và bổ sung thêm nước mới vào trong các bể lọc sinh học.

Định kỳ khoảng 15-30 ngày lọc lươn một lần, lươn nhỏ nuôi riêng, lươn lớn nuôi riêng.

+ Thu hoach lươn giống cỡ nhỏ

Lươn giống ương đạt khối lượng khoảng 1,5 -2 g/con tiến hành thu hoạch. Trước khi thu cần để lươn giống đói 1 – 2 ngày, tiến hành thu để tiếp tục ương tiếp giai đoạn 2.

2. Ương lươn giống cỡ lớn

+ Chuẩn bị bể ương

Bể ương có thể dùng bể xi măng, bể composit hay bể đất lót bạt có diện tích khoảng 4 - 6 m2, bể được vệ sinh kỹ, sau đó lấy nước sạch vào bể, mực nước trong bể ương dao động từ 25 - 30 cm, khi nước trong bể đã ổn định thì thả lươn vào ương. Trong bể ương bố trí dây nylon chiếm khoảng 20 – 30% bể ương, lươn con có tập tính sống chui rút nên cần có giá thể để làm nơi trú ẩn cho lươn. Bể ương gắn vơi hệ thống lọc nước với giá thể chuyển động.

Thời gian thực hiện mô hình ương khoảng 60 ngày.

 Thanhdung7.PNG

Hình 7: Bể ương lươn từ giống

+ Hệ thống lọc nước

Hệ thống lọc sinh học tuần hoàn nước được bố trí 1 dàn lọc trên mỗi điểm, mỗi dàn lọc gồm 1 bể lắng cặn thể tích 300 lít, bể lắng nước thể tích 300 lít và 2 bể chứa giá thể có thể tích 500 L, bể 1 bên trong có 50 L hạt nhựa kết hợp sục khí nhẹ và bể 2 bên trong có chứa 100 L hạt nhựa kết hợp sục khí oxy rất mạnh có nhiệm vụ giúp các vi sinh phân giải hàm lượng đạm trong NH3 thành NO3 sau đó nước được cấp trở lại hồ nuôi (hệ thống lọc này có thể được thay đổi từ bể nhựa bằng bể xi măng tùy theo điều kiện cụ thể của hộ dân).

+ Lươn giống

Lươn giống có khối lượng khoảng 1,5-2 g/con. Chọn lươn giống khỏe mạnh, màu xanh đen, lươn bám vào giá thể, hoạt động linh hoạt.

Mật độ ương giai đoạn này khoảng 5 con/L.

 Thanhdung8.PNG

Hình 8: Lươn giống cỡ 1,5 g/con

+ Thức ăn công nghiệp

Thức ăn công nghiệp là thức ăn viên dạng nổi 0,6 - 1m, 40% đạm. Viên thức ăn được cho vào các khung nhựa (khung dựa được làm bằng ống nhựa PVC cỡ ống 27 mm), tùy theo bể ương lớn hay nhỏ có thể sử dụng 2 - 3 khung, để khung nhựa gần các giá thể cho lươn giống dễ bắt mồi, lươn chỉ bắt mồi tập trung vào chỗ có giá thể (dây nylon).

 Thanhdung9.PNG

Hình 9: Thức ăn công nghiệp

+ Chăm sóc và quản lý

Quan sát hoạt động của lươn: hằng ngày quan sát hoạt động bắt mồi và màu sắc của lươn (lươn khỏe có màu xanh đen, hoạt động lanh lẹ và trú ẩn trong giá thể), lươn chỉ ra khỏi giá thể vào ban đêm.

Quản lý môi trường nước bể ương: Hàng ngày thay nước 2 lần/ngày, thay từ 80-100%. Giá thể (dây nylon) trong bể ương cần được vệ sinh cùng với thời điểm thay nước, hoặc thay giá thể mới.

+ Thu hoạch lươn giống

Lươn giống ương giai đoạn 2 khoảng 60 ngày tuổi đạt khối lượng khoảng 5 - 6 g/con. Đây là giai đoạn phù hợp để tiến hành nuôi thương phẩm.

Thanhdung10.PNG 

Hình 10: Lươn giống cỡ 5 g/con

II. KỸ THUẬT NUÔI THƯƠNG PHẨM LƯƠN ĐỒNG

1. Mùa vụ

Lươn sinh sản vào tháng 4 - 5 âm lịch nên có thể bắt giống thả nuôi lươn thịt từ giữa tháng 6 âm lịch. Nuôi 8-10 tháng thì thu hoạch.

2. Vị trí xây dựng hệ thống nuôi

Chọn vị trí yên tĩnh, ít người qua lại, có bóng mát, dễ lấy nước vào và thoát nước ra, làm mái che hoặc làm giàn trồng cây leo che nắng, gió.

Bể nuôi đặt ở vị trí thuận tiện cho việc chăm sóc, quản lý: gần nguồn nước cấp (sông, kênh, rạch hay nguồn nước sinh hoạt); tránh nguồn nước ô nhiễm do nước thải sinh hoạt, hóa chất hay thuốc bảo vệ thực vật; có đường giao thông thuận lợi cho việc vận chuyển. Đặt bể nơi bằng phẳng, bể lót bạt hay bể xi măng phải có độ dốc nghiêng về phía ống thoát nước. Rãnh thoát nước thải không đổ trực tiếp xuống sông, mà phải xả vào ao lắng, trước khi thải ra môi trường bên ngoài.

3. Hệ thống nuôi

Bể nuôi là bể xi măng lót bạt hoặc bể xi măng tráng gạch men. Hộ dân có thể tận dụng bể sẵn có tại nhà để nuôi lươn. Diện tích bể khoảng 4-6 m2/bể, mực nước trong bể nuôi khoảng 0,5 m.

Bể lắng trữ nước trước khi cấp vào hệ thống nuôi. Diện tích bể lắng trữ nước tùy theo qui mô nông hộ, khoảng 10-30m3.

Bể nuôi có hệ thống cấp và thoát nước nằm đối diện 2 đầu của bể, ống cấp có đường kính 42 mm được thiết kế nhiều lỗ nhỏ dạng vòi sen nhằm cung cấp oxy cho bể nuôi trong quá trình thay nước; ống thoát có đường kính 90 mm đặt ở đáy bể và thoát ra rãnh lắng chất thải rắn. Phía trên bể nuôi có thể dùng, tole, lưới lan để che, nhằm giảm bớt ánh nắng trực tiếp vào bể.

 Thanhdung11.PNG

Hình 11: Bể nuôi lươn với giá thể dây nilon và vĩ tre

Chuẩn bị giá thể cho bể nuôi:

Có thể sử dụng vĩ tre hay dây nylon làm giá thể cho lươn trú. Giá thể được đặt khoảng 1/3 – 1/2  diện tích bể nuôi, và đặt ở đầu bể nuôi nơi có nguồn nước cấp vào. Giá thể được đóng thành khung có 2-3 tầng, mỗi tầng cách nhau 10-15 cm, tầng dưới cùng cách đáy bể 15 cm.

      Giá thể là dây nylon, có thể tích khoảng 30-50% thể tích bể nuôi, dây nylon được xử lý trước khi nuôi và được vệ sinh trong thời gian nuôi. Dây nylon được bó lại thành từng lọn, mỗi lọn khoảng 0,5 kg dây nylon, nên chọn dây nylon có màu đen, mỗi loạn có chiều dài khoảng 0,8 – 1 m. Dây nylon trong các bể nuôi được vệ sinh thường xuyên, do đây là giá thể để lươn bám làm nơi trú ẩn, dây nylon cũng là nơi để vật chất hữu cơ trong nước bám vào, vật chất hữu cơ tích tụ trong dây thời gian dài, dẫn đến dễ gây bệnh cho lươn.

4. Chọn lươn giống thả nuôi

Chọn giống lươn từ hoạt động sinh sản bán nhân tạo, lươn giống khỏe mạnh, không bị xây sát hoặc có dấu hiệu bị bệnh, kích cỡ lươn giống đồng đều, chọn lươn giống đạt khối lượng khoảng 2 - 5 g/con, chọn thả lươn đồng cỡ trong một bể nuôi tránh con lớn ăn thịt con nhỏ. Chọn lươn giống có da màu sáng, nhiều nhớt, hoạt động nhanh nhẹn, không xây xát, không đỏ rốn. Theo kinh nghiệm lươn có màu vàng sẫm, phát triển tốt nhất. Lươn màu vàng xanh, phát triển bình thường. Lươn màu xám tro, chậm lớn.

Mật độ thả nuôi từ 100-200 con/m2.Tắm lươn bằng nước muối 3 - 5% trong 3 - 5 phút trước khi thả để sát trùng và loại những con yếu.

 Thanhdung12.PNG

Hình 12: Lươn giống bán nhân tạo được chọn để thả nuôi

5. Thức ăn và cho ăn

Lươn được nuôi bằng thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm cao, dao động từ 40 – 44% đạm. Chọn thức ăn dạng viên nổi, kích cỡ viên thức ăn thay đổi theo khối lượng của lươn nuôi. Lươn được cho ăn 2 lần/ngày với khẩu phần 2 – 5% khối lượng/ngày. Hằng ngày quan sát khả năng bơi lội và tình trạng bắt mồi của lươn để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp

Thanhdung13.PNG 

Hình 13: Thức ăn công nghiệp nuôi thương phẩm lươn đồng

Thành phần thức ăn và kích cỡ viên thức ăn công nghiệp để nuôi lươn được thay theo khối lượng của lươn nuôi thương phẩm

Bảng: Thành phần thức ăn và kích cỡ viên thức ăn cho lươn

Thanhdungbtpta.PNG 

* Có thể tận dụng thức ăn trong thiên nhiên mùa nước nổi: cua, ốc, hến, cá tạp xay nhuyễn, tép...Các loại thức ăn khác: trùn quế, giun đất, lòng gà, vịt,  rau quả để làm thức ăn cho lươn.

6. Quản lý và chăm sóc

Định kỳ hàng ngày thay nước 2-3 lần. Vệ sinh đáy bể nuôi bằng cách đẩy phân lắng xuống rãnh thu phân. Thay nước bể nuôi từ 80 - 100% thể tích nước bể nuôi. Cấp nước mới sau mỗi lần thay nước bể nuôi.

Một số chỉ tiêu môi trường nước trong bể nuôi được kiểm tra thường xuyên và luôn giữ ở mức cho phép cho lươn nuôi tăng trưởng và phát triển. Nhiệt độ nước dao động: 26 – 31 0C; pH từ 6,5 – 8,5; ôxy hòa tan > 3 mg/L; NO2< 0,05 mg/L và H2S < 0,002 mg/L. Khi NO2- và H2S cao tiến hành xả bể lắng đáy và thay nước bể nuôi khoảng 80 – 100%.

Định kỳ 2 lần/tháng bổ sung vitamin C vào thức ăn với lượng 3 - 5 g/kg, nhằm giúp lươn tăng sức đề kháng cho cơ thể. Định kì sổ giun cho lươn 1 lần/tháng bằng Vime Clean (3 g/kg thức ăn), cho lươn ăn liên tiếp 2-3 ngày cuối tháng và cho ăn 1 lần/ngày.

Thanhdung14.PNG 

Hình 14: Thay nước trong quá trình nuôi

Hạn chế gây sốc lươn nuôi, thường xuyên theo dõi hoạt động của lươn cũng như khả năng bắt mồi của lươn để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp. Thức ăn sử dụng cho lươn phải đủ về số lượng và chất lượng, thức ăn luôn được bảo quản tốt trong thời gian lưu giữ và phải phù hợp theo giai đoạn phát triển của lươn nuôi.

Lươn nuôi định kỳ hàng tháng tiến hành phân cỡ, lươn sau khi phân cỡ được tách ra nuôi riêng theo khối lượng.

7. Thu hoạch

Sau khi nuôi được khoảng 8-11 tháng thì tiến hành thu hoạch, lúc này lươn đạt khối lượng khoảng 200 g/con trở lên, để việc vận chuyển lươn thịt không bị hao hụt, không cho lươn ăn một ngày trước khi thu hoạch. Trước khi thu hoạch tiến hành thay nước 1 lần/ngày, mỗi lần thay 100% lượng nước trong bể (việc này được lặp lại trong 10 ngày).

 Thanhdung15.PNG

Hình 15: Thu hoạch lươn nuôi thương phẩm

III. PHÒNG TRỊ BỆNH LƯƠN

1. Các nguyên nhân phát sinh bệnh trên lươn

·  Con giống yếu, có sẵn mầm bệnh, bị xây xát trong quá trình vận chuyển.

·  Nhiệt độ thay đổi đột ngột.

·  Môi trường nước ô nhiễm do mầm bệnh, ký sinh trùng, hoặc dư thừa thức ăn.

·  Cho lươn ăn thức ăn ôi thiu.

·  Nuôi mật độ dày.

Nên định kỳ thay nước trong bể, quản lý tốt và tránh dư thừa thức ăn là các yếu tố quan trọng nhất mà người nuôi lươn cần chú ý.

2. Bệnh sốt nóng

·  Triệu chứng: Nhiệt độ nước tăng lên, nước nhớt do lương tiết dịch nhờn. Lươn quấn vào nhau, đầu sưng phồng, chết hang loạt.

·  Nguyên nhân chính: Do mật độ dày, oxy hòa tan thấp, thức ăn thừa làm môi trường ô nhiễm.

·  Phòng và xử lý, điều trị: Giảm mật độ nuôi, san lươn sang bể khác, thay nước, thêm nước mát vào bể, nâng cao mực nước trong bể, thả bèo, che mát, thả cá trê để ăn thức ăn thừa. Phun dung dịch phèn xanh (sulphate đồng) 0,07%, 5ml/m3 nước. Vớt lươn chết khỏi ao, thay nước, thay đất nếu ô nhiễm nặng.

3. Bệnh tuyến trùng

·  Triệu chứng: lươn yếu, nếu ký sinh nhiều sẽ làm hậu môn sưng đỏ, chết từ từ.

·  Nguyên nhân chính: Do ký sinh trùng đường ruột gây ra. Tuyến trùng có màu trắng, dài khoảng 1cm, đầu bám vào niêm mạc phá hoại mô, hình thành bào nang gây viêm ruột sưng đỏ.

·  Phòng và xử lý, điều trị: Thay nước. Dùng thuốc trị ký sinh trùng chuyên dùng. Vớt lươn chết khỏi bể, thay nước, thay đất nếu ô nhiễm nặng.

4. Bệnh lở loét

·  Triệu chứng: mình lươn xuất hiện nhiều lở loét hình tròn, hoặc bầu dục. Bơi lội khó khăn. Nổi đầu lên khỏi mặt nước. Rụng đuôi.

·  Nguyên nhân chính: Do ký sinh trùng, vi trùng.

·  Phòng và xử lý, điều trị: Trước khi nuôi sát trùng bể bằng vôi. Khi mắc bệnh phun thuốc diệt khuẩn (streptomycin) và trộn thuốc kháng khuẩn bệnh trị nội ký sinh chuyên dùng vào thức ăn. Bôi thuốc tím vào vết loét trong 5-7 ngày liên tục. Tắm lươn.

5. Bệnh nấm thuỷ mi

·  Triệu chứng: các đám sợi hình bông bám vào mình hay trứng.

·  Nguyên nhân chính: do ký sinh trùng.

·  Phòng và xử lý, điều trị: Trước khi nuôi sát trùng bể bằng vôi. Hoà Sodium bicarbonate với nước tỉ lệ 0,4 phần ngàn, tưới khắp bể nuôi. Tắm lươn bằng nước muối. Ngâm trứng lươn vào dung dịch xanh Methylen.

6. Bệnh đỉa bám

·  Triệu chứng: lươn yếu, kém ăn

·  Nguyên nhân chính: Do đỉa bám vào phần đầu lươn và hút máu làm vi trùng xâm nhập gây viêm nhiễm.

·  Phòng, trị: Dùng dung dịch phèn xanh (sulphate đồng) 100 ppm ngâm rửa 5-10 phút. Dùng các sản phẩm phòng trị ngoại ký sinh trùng.

7. Một số điểm lưu ý phòng trị bệnh đối với con lươn

Ngày nay, nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt đã và đang trở thành một nghề sản xuất mang lại hiệu qủa kinh tế cao, đặc biệt nuôi lươn đang là đối tượng nuôi khá phổ biến trong mùa nước nổi này. Tuy nhiên, ngoài các biện pháp kỹ thuật thì những vấn đề xung quanh môi trường nước để nuôi lươn luôn là mối quan tâm của bà con nông dân. Bởi vì nếu môi trường nước không tốt sẽ là điều kiện thuận lợi nẩy sinh dịch bệnh cho lươn nuôi.

Những nguyên nhân phát sinh bệnh trên lươn đó là do nguồn giống ban đầu không tốt, do trong quá trình vận chuyển bị xây xát, hoặc do nhiệt độ thay đổi đột ngột và môi trường nước ô nhiễm khi quá trình chăm sóc không tốt, nên nguồn nước nhiễm bẩn, các mầm bệnh và ký sinh trùng tồn tại gây bệnh cho lươn. Các bệnh thường gặp ở lươn đó là bệnh sốt nóng, bệnh lở loét, nội ký sinh và bệnh nấm thuỷ mi. Theo kỹ sư Đăng Hồng Đức, Trưởng bộ phận thuỷ sản Cty Liên doanh Bio thì đối với bệnh sốt nóng bà con nông dân cần giảm mật độ nuôi lươn, trong bồn cần thả ít bèo và nâng mực nước trong bồn lên nhằm hạ nhiệt độ nước, sau đó dùng Anti Shock liều 1 kg/ 1000 m3 tạo đều trong bồn nuôi lươn. Đối với bệnh lở loét, bà con có thể tắm lươn bằng Bio Green Cut liều 1 ppm (tức 1 lít/1000m3 nước), sau đó trộn Bio Sultrim liều 5 g/kg thức ăn và cho lươn ăn trong 5 ngày liền. Đối với bệnh nội ký sinh cần phòng bệnh bằng Bio Green Cut liều 1 ppm (tức 1 lít/ 1000m3 nước) diệt mầm bệnh, ấu trùng các ký sinh trùng trước khi thay nước mới vào. Nếu lươn có bệnh trên thì có thể dùng Bio Benzol theo hướng dẫn trên bao bì sẽ đạt kết quả cao. Nếu lươn bị bệnh nấm thuỷ mi, bà con tắm lươn bằng Bio Green Cut liều 1 ppm (tức 1 lít/1000m3 nước ), sau đó trộn Bio Oxocol liều 5g/kg thức ăn và cho ăn liên tục từ 3 đến 5 ngày sẽ trị được bệnh nấm thuỷ mi trên lươn.

Khi nuôi lươn bà con nông dân cần áp dụng các giải pháp phòng bệnh ngay từ khi thả giống, đồng thời áp dụng các biện pháp kỹ thuật nuôi lươn theo các yêu cầu như chọn giống khoẻ mạnh bằng cách tắm muối trước khi thả giống, luôn giữ môi trường nước sạch, định kỳ diệt khuẩn để loại bỏ mầm bệnh đồng thời chú ý đến chế độ thức ăn hợp lý, hy vọng đây sẽ là một trong số cách giúp bà con nông dân nuôi lươn thành công. 

 
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0