image banner
NGHIÊN CỨU ÁP DỤNG TIẾN BỘ KỸ THUẬT XÂY DỰNG MÔ HÌNH SẢN XUẤT VÀ SƠ CHẾ, BẢO QUẢN NẤM RƠM VÀ BÀO NGƯ TRÊN NGUỒN NGUYÊN LIỆU RƠM VÀ LỤC BÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN
Lượt xem: 34
Long An phong phú nguồn nguyên liệu cho trồng nấm, trong đó riêng rơm rạ, lục bình đã lên đến vài triệu tấn/năm. Do đó, việc đưa các tiến bộ kỹ thuật nhằm tận dụng các phế liệu sẵn có ở địa phương để nuôi trồng các loại nấm ăn là công việc hết sức thiết thực, không chỉ phục vụ cho sản xuất và đời sống, góp phần tăng thu nhập, tạo thêm việc làm, còn bảo vệ môi trường, trước mắt cũng như lâu dài. Đề tài đưa ra một giải pháp sản xuất theo qui trình khép kín, từ khâu sử dụng phế liệu nông lâm nghiệp để nuôi trồng nấm, bã thải sau trồng nấm lại dùng nuôi trùn quế. Kết quả cuối cùng tạo ra hai sản phẩm: sinh khối trùn phục vụ cho chăn nuôi, còn phân trùn làm phân hữu cơ dùng bón trở lại cho cây trồng và ủ thành phân hữu cơ. Đây cũng là giải pháp nông sinh học trong nông nghiệp bền vững. Từ khoá: nấm rơm; lục bình; nấm bào ngư.

- Tên chủ nhiệm đề tài: KS. Nguyễn Thanh Tùng

- Cơ quan chủ trì thực hiện: Trung tâm Khuyến Nông Long An

- Thời gian thực hiện: 2008 - 2010

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

1.1 Sự cần thiết:

Hiện nay ở nông thôn, lực lượng lao động lúc nông nhàn còn rất đông, kinh tế lại khó khăn, nên có thêm những nghề như nghề trồng nấm là rất cần thiết. Ngoài những người trồng, còn có một số không nhỏ những lao động phụ tham gia vào sản xuất nấm.

Việc phát triển trồng nấm góp phần tạo vùng nguyên liệu dồi dào cho các nhà máy chế biến thực phẩm đang có nhu cầu chế biến nấm, như công ty: Annan (Tân Đông - Thạnh Hóa), Đại Hưng Phát (TP Tân An).

Sản xuất nấm ngoài mục tiêu xuất khẩu,nấm còn là nguồn cung cấp nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng ,có giá trị dược tính cao, góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng nhân dân địa phương.

Phế liệu sau trồng nấm có thể dùng làm phân bón hữu cơ, vừa giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, vừa góp phần cải thiện đất trồng, giảm phân bón hóa học đang ngày càng làm mất cân bằng dưỡng chất trong đất.

1.2 Mục tiêu nghiên cứu:

- Nghiên cứu áp dụng các tiến bộ kỹ thuật thích hợp từ khâu chọn nguyên liệu, xử lý nguyên liệu đến hoàn thiện quy trình trồng, sơ chế và bảo quản nấm rơm và nấm bào ngư trên hai loại nguyên liệu rơm rạ và lục bình theo hai cách trồng trong nhà và ngoài trời. 

-  Xây dựng mô hình sản xuất và chuyển giao kỹ thuật trồng nấm cho cán bộ kỹ thuật và nông dân 6 huyện thị tỉnh Long An.

- Xây dựng mô hình xử lý phụ phế phẩm sau trồng nấm nuôi trùn và làm phân bón hữu cơ.

1.3 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:

Đối tượng nghiên cứu

 - Nấm rơm (Volvariella volvacea) nuôi trồng phổ biến tại địa phương

 - Nấm bào ngư (Pleurotus florida) từ Trung tâm CNSH Ứng dụng TP. HCM và Trung tâm chuyển giao tiến bổ Khoa học tỉnh Tiền Giang.

 - Rơm tại địa phương (điểm đặt mô hình)

 - Lục bình vớt trên sông rạch ở địa phương (điểm đặt mô hình)

 - Trùn quế (Perionyx exkavatus) ở trại nuôi bằng phân bò.

Thực hiện các nghiên cứu tại Trung Tâm Công Nghệ Sinh Học ƯD TP. Hồ Chí Minh (Trước khi đưa ra thí nghiệm tại Trung Tâm:

Xây dựng tại Trung Tâm Khuyến nông tỉnh Long An

2. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1 NỘI DUNG

Nội dung 1: Nghiên cứu sử dụng lục bình thành nguyên liệu cho nuôi trồng nấm

Nội dung 2: Phân tích hóa học

Nội dung 3: Xử lý nguyên liệu để trồng nấm

Nội dung 4: Phương pháp xử lý phế liệu để nuôi trùn đất và ủ phân hữu cơ

Nội dung 5: Công tác giống và sản xuất nấm

Nội dung 6: Thực hiện các thí nghiệm tại Trung Tâm Khuyến Nông

Nội dung 7: Triển khai mô hình mẫu ở 6 huyện

2.2 PHƯƠNG PHÁP

2.2.1 Nghiên cứu xử lý rơm rạ và lục bình để trồng nấm

- Xác định tỷ lệ C/N để bổ sung các chất dinh dưỡng phù hợp

- Khảo sát các giải pháp xử lý: cơ học (băm, nghiền), hóa học (xử lý vôi), sinh học (ủ đống, dùng xạ khuẩn).

2.2.2 Nghiên cứu ứng dụng chế biến bảo quản

- Chủ yếu trên ba dạng: sấy khô (đóng gói), muối mặn và muối chua (đóng bao). Công đọan này được thực hiện trên hai mô hình điểm: một điểm ở huyện phía Bắc và một điểm ở huyện phía Nam (đã nói ở trên).

2.2.3 Thực nghiệm các hình thức xử lý phế liệu sau trồng nấm

- Sử dụng xạ khuẩn có ích (Actinomycetes) để làm hoai mục phế liệu, làm phân bón hữu cơ bón cho cây trồng.

- Nuôi trùn: dùng gạch xây dựng những ô có kích thước 2m x 5m, phế liệu rơm và lục bình được trộn với phân gia súc làm thức ăn nuôi trùn. Mổi mô hình 10m2.

2.2.4 Xây dựng điểm sản xuất và cung ứng meo giống có chất lượng

2.2.5 Xây dựng và quảng bá mô hình

2.3 Bố trí thí nghiệm

Thí nghiệm được bố trí ở 3 điểm thực nghiệm và 6 mô hình ở 6 huyện, thí nghiệm được bố trí làm hai vụ liên tục ở 3 điểm Vĩnh Hưng, Mộc Hóa và Tp.Tân An các điểm còn lại làm 1 vụ.

Đối với rơm: sử dụng rơm khô và xử lý với vôi 1% và ủ đống 10 ngày, 3 ngày đảo trộn một lần.

Đối với lục bình: phơi thật khô và xử lý với vôi 2% và ủ đống 5 ngày; cách xử lý, ủ đống và các bước nuôi trồng giống như trên rơm.

Phối trộn rơm và lục bình theo tỉ lệ khác nhau trước khi xếp mô, nén khuôn, vô bịch hoặc xếp thành từng lớp riêng.

Xử lý số liệu

Dùng chương trình EXCEL

3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

3.1 Nghiên cứu xử lý lục bình thành nguyên liệu cho nuôi trồng nấm

 Tỉ lệ C/N thích hợp cho bào ngư nằm trong khoảng 20-30, nên rơm và trấu đều không đáp ứng được. Trong khi tỉ lệ này ở lục bình là 36,45 khá phù hợp, nhưng lục bình khô đem xử lý thì lại ngậm nước khá nhiều (gần 200%) nên gây yếm khí đối với tơ nấm. 

  Vì vậy cần phối hợp giữa lục bình với rơm hoặc trấu, vừa tăng độ xốp của nguyên liệu (thông khí), vừa bổ khuyết tỉ lệ C và N.

3.2. Phân tích hoá học

 Hai loại nguyên liệu dùng trong dự án là rơm và lục bình.

 Đối với lục bình

 - Lục bình có tỉ lệ C/N thấp, trong đó thấp nhất là Thủ Thừa và cao nhất là ở Thị xã. Mặc dù vậy, sự chênh lệch giữa các điểm khác nhau không lớn.

 - Nếu xét về yêu cầu C/N đối với nấm trồng thì lục bình phù hợp cho nấm rơm, nhưng tỉ lệ nầy còn cao so với nấm bào ngư.

 - Tuy nhiên, vấn đề đối với lục bình chính là nguyên liệu còn giữ ẩm cao, nên dễ gây úng nước khi cho vào túi để trồng nấm.    

Đối với rơm

 - Rơm có tỉ lệ C/N cao, trong đó thấp nhất là Vĩnh Hưng và cao nhất là ở Thị xã. Giữa các điểm tỉ lệ khác nhau khá lớn.

 - Nếu xét về yêu cầu C/N đối với nấm trồng thì rơm gần như không phù hợp với nấm rơm và cả nấm bào ngư.

Như vậy, để trồng nấm hiệu quả nên phối hợp hai lọai nguyên liệu này với nhau và tốt nhất là lục bình phải được chặc nhỏ ,phơi khô trước khi xử lý để trồng nấm

3.3. Xử lý nguyên liệu để làm nấm

Nhiều loài nấm, nhất là nấm rơm, khả năng phân hủy rơm rất yếu. Vì vậy rơm rạ dùng trong trồng nấm, thường phải được chế biến kỹ hơn. Có ba phương pháp để xử lý rơm: cơ học, hóa học và sinh học. 

Qui trình xử lý rơm trồng nấm

 Rơm rạ trồng nấm thường phải khô, không mục nát hay bị mốc.

 * Làm ẩm rơm bằng nước vôi 1% và ủ đống trong 7-10 ngày (tùy vào loại rơm); Cứ 3-5 ngày đảo trộn một lần.

 * Nếu sử dụng máy đánh rơm, thì sau ba ngày ủ, sẽ dùng máy thay cho đảo trộn, đánh nhiều lần cho rơm mềm ra.

 * Nếu máy cắt rơm, sẽ phải cắt trước khi làm ẩm và ủ đống rơm.

 * Nếu xử lý xạ khuẩn, sẽ bổ sung lúc bắt đầu ủ đống

 * Nếu phối trộn với lục bình sẽ thực hiện sau khi ủ đống xong.

Sau khi xong phần xử lý, thường thành phần dinh dưỡng trong rơm (kể cả có thêm lục bình) vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cho nấm. Vì vậy cần bổ sung thêm đạm và khoáng.

Đạm thêm vào để cân chỉnh tỉ lệ C/N phù hợp cho từng loại nấm. Thông thường hiện nay hay dùng đạm vô cơ (phân bón hóa học: urê, DAP, SA..), nhưng cũng có thể dùng phân chuồng hoặc phân trùn để thay thế.

Khoáng sử dụng đơn giản nhất là tro rơm hay tro trấu, lượng dùng trong khoảng 1% so với tổng nguyên liệu (đã xử lý xong)

Để trồng nấm rơm :       50% rơm : 50% lục bình

Để trồng nấm bào ngư: 75% rơm : 25% lục bình

- Rơm rạ thường phải để cho thật khô thì làm ẩm mới thấm tốt. Ngoài ra, rơm rạ qua máy suốt hay làm bầm dập hoặc chặt nhỏ ... thì quá trình ủ sẽ ngấu nhanh hơn.

 - Làm ẩm nguyên liệu tốt nhất là dùng nước vôi 1- 1,5%. pH cao của nước vôi sẽ ức chế vi khuẩn gây thối, đồng thời làm cấu trúc của rơm bị phân rã mau hơn. Ngoài ra, ion Ca2+ trong nước vôi còn giúp xử lý những tạp chất hoá học nhiễm bẩn ở rơm. Nhờ vậy nguyên liệu vừa sạch khuẩn, vừa sạch hoá chất.đã hạn chế phần nào tổn hại đối với nấm trồng.

  - Nguyên liệu sau khi làm ẩm với nước vôi, được xếp thành đống để ủ. Trong quá trình ủ, nguyên liệu tiếp tục phân rã thành những phân tử nhỏ hơn, tạo điều kiện cho nấm dễ sử dụng được. Ở quá trình này, ngoài yếu tố hoá học, còn yếu tố sinh học do  sự tham gia của vi sinh vật, đặc biệt là xạ khuẩn. Thời gian ủ đống, nhiệt bên trong khối nguyên liệu sẽ tăng rất nhanh, có thể lên đến 70- 80oC. Quá trình này cũng diệt khá nhiều vi khuẩn, nấm mốc có hại.

- Quá trình ủ ngừng lại khi nguyên liệu "chín". Lúc này, nhiệt độ giảm nhẹ còn 60- 65oC, chân đống ủ chảy ra một dịch nước màu nâu xệt, các cọng rơm chuyển màu vàng sậm và có mùi thơm dễ  chịu.                                               

- Nấm bào ngư cần độ ẩm thấp hơn nấm rơm và nấm mèo, đặc biệt là khi cho nguyên liệu vào túi nhựa (PP hoặc PE). Trong trường hợp này, độ ẩm cao có thể làm giảm sự khuếch tán của oxy và nấm bị ngộp chết.

 - Để giảm độ ẩm trong nguyên liệu có nhiều cách:

  •  Kiểu ráo nước tự nhiên: sử dụng các vĩ tre, kích thước 0,8-1 m vuông, kê cao khỏi mặt đất khoảng 5-10 cm Rơm rạ sau khi ủ xong, được chuyển sang chất thành đống trên vĩ tre. Đống rơm lúc này không nên quá cao, chỉ khoảng 50-60 cm, để yên từ  24-48 giờ cho nước nhỏ xuống đất. Cách này đơn giản, ít tốn lao động, nhưng mất nhiều thời gian.
  •  Kiểu thủ công: dùng cối ép, để vắt nước ra khỏi rơm. Phương pháp này cần trang bị một cối có trục ép từ trên xuống. Khi bị nén chặt, nước trong rơm sẽ bị đẩy ra. Cách này tốn nhiều công lao động.
  •  Kiểu công nghiệp: dùng trục cán có động cơ chuyền động (như ép nước mía).  Rơm hay lục bình qua trục sẽ bị vắt nước ra. Tùy yêu cầu về độ ẩm, mà chỉnh trục hoặc ép nhiều lần.

    - Đóng túi: có hai cách, khử trùng hoặc không khử trùng. Trường hợp khử trùng, nguyên liệu cho vào túi nylon, kích thước khoảng 30 cm x 40 cm, và nén dẽ lại. Làm nút cổ, khử trùng và sau đó cấy giống. Trường hợp không khử trùng, khi lớp rơm cho vào nén thành lớp cao 10 cm, thì cấy giống. Meo giống nấm bào ngư làm bằng lúa, trấu hoặc mạt cưa, được bẻ rời và gieo sát thành nylon. Sau đó, thêm lớp rơm thứ hai cũng cao 10 cm và gieo meo như lớp thứ nhất. Tiếp tục với lớp thứ ba, nhưng meo lại được rãi đều trên mặt. Lớp meo giống này sẽ phát triển nhanh và ức chế khuẩn tạp xâm nhập. Cuối cùng xếp miệng túi lại và dùng băng keo để giữ cho khỏi bung ra.

    - Ủ tơ: các túi sau đó được nuôi ủ ở nhiệt độ phòng cho tơ nấm phát triển. Thời gian tơ đầy bịch trung bình khoảng 15 - 18 ngày. Lúc này chuyển bịch sang nhà trồng để tưới đón nấm.

    - Tưới đón nấm: ở nhà trồng, bịch phôi có thể xếp kệ hoặc treo thành sâu. Sau đó, tưới nước để rữa bụi bẩn bám trên thành bịch, đồng thời kích thích cho tơ nấm dày lên dưới lớp nylon. Hai ngày sau, bắt đầu rạch bịch. Mỗi bịch rạch từ 4- 6 đường, mỗi đường dài từ  4- 5 cm. Sáu giờ sau khi rạch, mới bắt đầu tưới nước. Nước tưới là nước sạch không phèn, không mặn và vệ sinh.  Tuỳ thời tiết và chế độ giữ ẩm của nhà trồng mà tưới nhiều hay ít, nhưng trung bình ngày tưới 4 lần/ ngày.

     - Thường 3- 7 ngày sau khi rạch bịch và tưới ẩm, thì mầm nấm bào ngư bắt đầu xuất hiện.  Tai nấm lớn rất nhanh, nên trong 2- 3 ngày là phải thu hoạch. Thời gian thu hoạch một đợt kéo dài từ 12- 15 ngày.  Sau đó, tơ nấm sẽ ổn định trở lại trong vài ngày là chuẩn bị cho thu hoạch đợt 2. Trung bình một bịch nấm có thể thu hoạch từ  5- 7 đợt với sản lượng là 480- 510 g nấm bào ngư tươi.

    Nội dung 4: Phương pháp xử lý phế liệu để nuôi trùn đất và ủ phân hữu cơ

    Nuôi trùn đất:

     Trùn Quế có thể nuôi tập trung theo kiểu láng trại, qui mô kích thước lớn. 

     Để nuôi trùn, người ta xây hồ bằng xi măng hoặc quây bồn bằng vải bạt hay cót tre, kích thước dài 1-2 m x rộng 0,6-1m x cao 0,5- 0,6 m.  
  •  Đáy bồn lót vải bạt hay lưới muỗi bằng nhựa.

    Nguyên liệu cho vào bồn, cao 0,3- 0,4 m, để tránh sinh nhiệt và yếm khí ảnh hưởng đến trùn nuôi.

    Trùn giống cho vào, mật độ 1 kg/ m2/ bồn.

    Định kỳ 30-40 ngày nên có đợt thu hoạch, nhằm giảm mật độ bồn nuôi và tăng hiệu quả canh tác.

    Phân trùn

    Phân trùn là sản phẩm do trùn đất thải ra. Phân thường được đùn lên bề mặt của cơ chất, có dạng những hạt nhỏ, xốp, nhẹ và mịn.

    Trung bình 35- 40 ngày, có thể thu hoạch phân một lần, bằng cách hớt nhẹ lớp xốp bên trên sâu từ 10- 15cm. Lớp phân này có màu xám đen, dạng bột mịn, xốp, mùi dễ chịu. 

    Ứng dỤng cỦa phân trùn (Vermicompost)

     Phân trùn là dạng phân hữu cơ sinh học, có thể làm tăng năng suất cây trồng và cải tạo đất rất tốt. Các kết quả nghiên cứu của thế giới được ghi nhận như sau:

    - FOSGATE & BADD (1972)  Phân trùn cho kết quả tương đương hỗn hợp dinh dưỡng dùng cho trồng hoa trong nhà kính

    - REDDY (1988)  Phân trùn thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của hoa hồng và lúa

    - BUCHMAN & cộng sự (1988) Các dạng phân trùn đều có nguyên tố dinh dưỡng mà cây dễ hấp thu luôn cao hơn phân có cùng nguồn nguyên liệu hữu cơ ban đầu

    - EDWARDS (1988)  Phân tích các mẫu phân trùn đều thấy N dễ tiêu cao

    - EDWARDS & BURROWS (1988)  Phân trùn làm cho hạt nẩy mầm nhanh và cây con phát triển lẹ hơn. Đặc biệt là cà chua, cải bắp, củ cải mọc tốt, cây khoẻ hơn so với phân hữu cơ và phân động vật

    KẾT QUẢ NUÔI TRÙN TẠI TRUNG TÂM VÀ 6 MÔ HÌNH:

    - Diện tích trại nuôi trùn: 10m2/MH, dùng gạch xây (hoặc mũ) dựng những ô có kích thước 2m x 5m.
  • Lượng giống: 70kg sinh khối/MH.
  • Thức ăn: Bã nấm sau khi thu hoạch đem ngâm nước cho nguyên liệu đủ ẩm sau đó vớt để ráo bớt nước rồi cho trùn ăn, có thể trộn với phân gia súc làm thức ăn cho trùn, cứ 15-20 ngày thì cho trùn ăn một lần hoặc khi thấy lớp bả nấm trên mặt có mùn thì cho ăn tiếp.
  • Định kỳ 3-5 ngày tưới nước một lần (tưới vừa ướt lớp mặt không tưới quá nhiều nước)

    Nội dung 5: Công tác giống và sản xuất nấm

    - Đã sản xuất hai loại giống: nấm rơm và nấm bào ngư. Meo giống nấm đạt yêu cầu cho nuôi trồng.

    - Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện do chưa có phòng sản xuất meo riêng, còn để chung với nhiều đồ đạc, thiết bị, nên khó khống chế nhiễm tạp, nhất là nhện mạt (mites). Vì vậy tỉ lệ chỉ đạt 70% so với yêu cầu đề ra.

    Nội dung 6: Thực hiện các thí nghiệm tại Trung Tâm Khuyến Nông

    NẤM RƠM NGOÀI TRỜI:

    Nghiệm thức 100% lục bình và có bổ sung phân bón cho năng suất thấp nhất,trong khi nghiệm thức lục bình có phối trộn rơm lên 50% cho năng suất nấm cao nhất. Chứng tỏ rơm đã làm tăng độ xốp làm lục bình bớt nén chặt gây yếm khí, đồng thời cân bằng tỉ lệ C/N thích hợp cho nấm. Như vậy đối với lục bình nếu sử dụng có phối trộn với rơm thì không cần bổ sung phân bón vì khi phối trộn thì tỷ lệ C/N của nguyên liệu đã thích hợp cho nấm phát triễn.

    NẤM BÀO NGƯ

    Thực hiện 12 nghiệm thức

     + A1: 100% Rơm  hấp khử trùng

     + A2: 75% Rơm + 25% lục bình hấp khử trùng

     + A3: 50% Rơm + 50% lục bình hấp khử trùng

     + B1: 100% Rơm  hấp khử trùng + 4%o DAP

     + B2: 75% Rơm + 25% lục bình hấp khử trùng + 4%oDAP

     + B3: 50% Rơm + 50% lục bình hấp khử trùng + 4%o DAP

     + C1: 100% Rơm  không hấp khử trùng

     + C2: 75% Rơm + 25% lục bình không hấp khử trùng

     + C3: 50% Rơm + 50% lục bình không hấp khử trùng

     + D1: 100% Rơm  không hấp khử trùng  + 4%o DAP

     + D2: 75% Rơm + 25% lục bình không hấp khử trùng + 4%oDAP

     + D3: 50% Rơm + 50% lục bình không hấp khử trùng 4%o DAP

    Nhận xét:

    -  NT A1, A2, A3: tơ trắng đẹp, dầy, đều nhưng chậm hơn NT B1,B2,B­3

    - NT: B1,B2,B­3 Tơ trắng, đẹp, rất dầy và đều phát triển nhanh hơn NT A1,A2,A3

    - Các NT có hấp khử trùng (A1;A2 ;A3) đều cho năng suất cao hơn so với không hấp khử trùng (C1,C2, C3).

    - Các NT có hấp khử trùng và có bổ sung phân bón (B1;B2 ;B3) đều cho năng suất cao hơn so với không hấp khử trùng và có bổ sung phân bón (D1,D2, D3).

    Nội dung 7: Triển khai mô hình điểm ở 6 huyện

    - Khu vực khảo sát và chọn điểm: Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Thủ Thừa, Châu Thành, Thị xã.

    - Mỗi mô hình ít nhất có một nhà ươm bịch phôi (6 x 6 = 36m2) và hai nhà trồng: một cho nấm rơm và một cho nấm bào ngư.  Nhà trồng nấm rơm (3 x 5 = 15m2), nhà trồng nấm bào ngư (7 x 12 = 84m2).

    Mô hình trồng nấm rơm

    - Trong hầu hết các kết quả nhận được cho thấy rơm có phối trộn lục bình đều cho năng suất nấm tang.

    Mô hình trồng nấm bào ngư

    Tất cả các trường hợp rơm phối trộn lục bình đều cho năng suất nấm tăng.

    PHẦN TÍNH TOÁN HIỆU QUẢ KINH TẾ

    - Thu nhập từ nấm trồng trong nhà cao hơn so với nấm trồng ngoài trời.

    - Nghiệm thức rơm và lục bình phối trộn có khử trùng (NT4) cho thu nhập cao nhất.

    Nhận xét

    - Nguyên liệu khử trùng vẫn tốt và hiệu quả hơn so với không khử trùng.

    - Nghiệm thức rơm và lục bình phối trộn có khử trùng (NT4) cho thu nhập cao nhất.

    - Trồng nấm bào ngư trên rơm hay rơm phối trộn lục bình đều hiệu quả hơn so với trồng nấm rơm.

     Ý nghĩa khoa học của kết quả nghiên cứu

    - Đề tài đưa ra một giải pháp sản xuất theo qui trình khép kín, từ khâu sử dụng phế liệu nông lâm nghiệp để nuôi trồng nấm, bã thải sau trồng nấm lại dùng nuôi trùn quế. Kết quả cuối cùng tạo ra hai sản phẩm: sinh khối trùn phục vụ cho chăn nuôi, còn phân trùn làm phân hữu cơ dùng bón trở lại cho cây trồng và ủ thành phân hữu cơ. Đây cũng là giải pháp nông sinh học trong nông nghiệp bền vững.

    - Thông qua hiệu quả của trồng nấm để huy động cộng đồng thu gom và sử dụng lục bình cho sản xuất nấm, nhằm kiểm soát hoặc giảm khả năng phát tán các thực vật ngoại lai (như lục bình, mai dương…).

    Ý nghĩa thực tiễn và khả năng ứng dụng kết quả khoa học.

     - Đề tài sẽ mở ra một nghề mới cho nông dân trong tỉnh, tận dụng được tối đa các phụ phế phẩm trong nông nghiệp để tăng thu nhập.

     - Những kết quả thông qua các nghiệm thức cho từng loại nấm từ đó có thể mở rộng ứng dụng ra diện rộng đặc biệt là cách trồng không khử trùng phù hợp cho những người có vốn ít.

    4. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

    4.1 KẾT LUẬN

    - Lục bình sử dụng được toàn bộ cây (thân, lá, rễ) để trồng nấm mà không ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm (không có độc tố, đảm bảo an toàn cho người sử dụng).

    - Lục bình có thể dùng trồng nấm rơm và bào ngư, đặc biệt hiệu quả khi phối trộn với rơm. Đây cũng là thuận lợi cho người trồng nấm, đồng thời giúp giải quyết tốt cho vấn đề môi trường.

    - Khi sử dụng lục bình để trồng nấm để đạt hiệu quả thì nên sử dụng máy cắt nhỏ hoặc băm nhỏ (thủ công) rồi mới đem phơi thì rất nhanh khô (khoảng 2-3 nắng), nếu để nguyên cây thì phải phơi 7-10 nắng mới khô và khi đem phối trộn với rơm cũng sẽ đều và nhanh hơn nên hiệu quả sẽ cao hơn (giảm công lao động, tăng năng suất).

    - Nấm rơm thích hợp cho trồng cả trong nhà và ngoài trời nhưng tốt hơn nếu trồng trong nhà vì sẽ chủ động được trong sản xuất, không bị ảnh hưởng của thời tiết, ít tốn nguyên liệu và năng suất cao hơn nên hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn đặc biệt thích hợp cho việc sản xuất quy mô lớn cũng như có sản phẩm ổn định cung cấp cho thị trường.

    - Nấm Bào ngư trồng được ở cả trong nhà và ngoài trời tuy nhiên trồng ngoài trời sẽ không hiệu quả do điều kiện nuôi trồng nấm bào ngư không được để ánh sáng trực tiếp chiếu vào cũng như hạn chế bị gió nên không thích hợp trồng ngoài trời mà chỉ thích hợp trồng trong nhà.

    - Công thức phối trộn nguyên liệu rơm : lục bình để trồng nấm tốt nhất trong các nghiệm thức thí nghiệm:

                * Nấm rơm trong nhà: 50:50

                * Nấm rơm ngoài trời: 50:50 (10:90 mùa nắng)

                * Nấm bào ngư: 75:25 (50:50 có hấp khử trùng)

    - Qua kết quả ở các mô hình thì đa số nấm rơm và bào ngư đạt năng suất cao nhất ở các NT có phối trộn nguyên liệu, có bổ sung dinh dưỡng và hấp khử trùng. Trường hợp không có điều kiện hấp khử trùng thì không nên bổ sung phân bón vì rất dễ bị nhiễm.

    - Công thức phân bón tốt nhất:

    * Nấm rơm trong nhà:  0.5%ourê + 4%oDAP + 1% bột nhẹ (CaCo3) + 1% tro trấu

    * Nấm bào ngư: 3%o DAP + 1% bột nhẹ (CaCo3) + 1% tro trấu

    - Mô hình bước đầu nhìn chung cho thấy trồng nấm trong nhà cũng có hiệu quả tốt, thậm chí hơn cả ngoài trời. Do đó bên cạnh việc phát triển đại trà trồng nấm ngoài trời, có thể tổ chức những trang trại trồng nấm trong nhà để tạo sự ổn định về số lượng và chất lượng cho chế biến và xuất khẩu.

    - Đề tài được triển khai trên diện rộng gồm 3 mô hình ở 3 huyện phía Bắc và 3 mô hình ở 3 huyện thị phía Nam. Đối tượng thực hiện mô hình có cả người kinh nghiệm lâu năm trong trồng nấm và người chưa biết trồng nấm, nên vừa tăng độ chính xác và tin cậy của các kết quả, vừa đảm bảo tính lan tỏa của mô hình sau này. 

    - Đề tài đã tập huấn quy trình trồng nấm, nuôi trùn, ủ phân cho 6 điểm tham gia mô hình và tập huấn cách sơ chế bảo quản nấm cho cán bộ và nông dân tham gia mô hình tại Trung Tâm Khuyến Nông và mô hình Mộc Hóa.

    - Ứng dụng cơ giới vào trong sản xuất nấm: sử dụng máy cắt rơm và lục bình vào nuôi trồng nấm kết hợp với bổ sung phân bón và khử trùng thì cho năng suất nấm cao nhất: trung bình lợi nhuận thu được là: 5.200đ/bịch phôi đối với nấm bào ngư và 2.200đ/ gói phôi nấm rơm.

    - Phương thức trồng trong nhà: Hầu hết các mô hình trồng trong nhà đều cho năng suất cao hơn ngoài trời và nấm bào ngư năng suất cao hơn nấm rơm.

    - Đã triển khai được 6 mô hình điểm ở 6 huyện thị. Các mô hình đã thực hiện đúng các nội dung đề ra trong các thí nghiệm trên nấm rơm và bào ngư

    - Sơ chế, bảo quản nấm: Qua 6 mô hình thì toàn bộ nông dân và cán bộ tham gia được tập huấn và thực hiện được một số quy trình sơ chế bảo quản nấm, riêng tại mô hình điểm ở Vĩnh Hưng nông hộ đã chế biến được một số sản phẩm như: Nấm muối chua, nấm muối mặn, nấm khô, nấm tươi vào bịch sau đó sử dụng máy hút chân không để đóng gói. Các quy trình đơn giản, nông hộ có thể tự làm tại gia đình hoặc có thể tổ chức ở các liên nông hộ.

    - Tận dụng phụ phế phẩm sau trồng nấm để nuôi trùn và ủ phân hữu cơ nâng hiệu quả, tăng thu nhập cho người trồng nấm. Sản phẩm sau nuôi trùn như trùn thịt là thức ăn cao cấp trong chăn nuôi thủy sản, gia cầm,.. Phân trùn cũng là loại phân cao cấp nên sử dụng bón cho cây trồng rất tốt. Trong chương trình đề tài do làm ở quy mô nhỏ nên người dân chưa quan tâm nhiều và chưa thấy được hiệu quả của những sản phẩm phụ nhưng nếu làm ở quy mô lớn thì hiệu quả đem lại của mô hình là không nhỏ.

    - Hiệu quả bước đầu của việc ứng dụng cơ giới (Máy gom rơm, máy cắt rơm) giúp hạ giá thành sản xuất, tăng năng suất và tăng hiệu quả người trồng nấm

    4.2 KIẾN NGHỊ

    Về nội dung nghiên cứu tiếp của đề tài

    - Tiếp tục phát triển cơ khí hóa và tự động hóa trong sản xuất nấm, nhằm kiểm soát và nâng cao hiệu quả trong trồng nấm. Nhất là một số trang thiết bị phục vụ cho trồng trong nhà như hệ thống tưới, dụng cụ theo dõi và điều tiết nhiệt độ, ẩm độ,..

    - Đa dạng hóa các nguồn nguyên liệu hiện có tại địa phương như bã mía, trấu để trồng nấm vì đây là nguồn nguyên liệu khá phổ biến trong tỉnh nhất là trấu.

    - Tìm hiểu thêm các loài nấm khác (ngoài nấm rơm, bào ngư) có khả năng nuôi trồng trong điều kiện ở địa phương, hoặc có giá trị kinh tế cao.

    - Cần nghiên cứu, thiết kế nhà trồng phù hợp với điều kiện tại địa phương cũng như phù hợp với túi tiền người nông dân nhưng phải có độ bền của nhà trồng.

    - Trong quá trình thực hiện các mô hình chủ yếu sử dụng thủ công để vớt lục bình nên chi phí rất cao (1.000đ/kg lục bình khô), nên để mở rông mô hình cũng như khuyến khích người dân sử dụng lục bình để trồng nấm thì cần nghiên cứu biện pháp vớt lục bình bằng cơ giới để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động.

    - Sử dụng cơ giới để làm nhỏ lục bình trước khi phơi sẽ rút ngắn được thời gian phơi và việc phối trộn nguyên liệu, bổ sung phân bón sẽ dễ dàng hơn, đều hơn.

    - Rơm và lục bình để đạt năng suất cao nên nghiên cứu máy đánh tơi nguyên liệu.

    - Khi  xây dựng những vùng trồng quy mô lớn nên nghiên cứu đưa cơ giới vào trong sản xuất một cách đồng bộ như máy gom nguyên liệu, máy đánh tơi, mấy trộn, máy đóng bịch tự động có như vậy thì chi phí sản xuất mới giảm và hiệu quả kinh tế sẽ cao.

    Kiến nghị  về quản lý, tổ chức thực hiện ở các cấp.

    - Tăng cường công tác tập huấn chuyển giao kết quả đề tài: tận dụng phụ phế phẩm trong nông nghiệp một cách hiệu quả, tăng thu nhập (sản suất theo mô hình khép kín, tận dụng tối đa các sản phẩm trước và sau sản xuất) và bảo vệ môi truờng.

    - Đưa chương trình tập huấn dạy nghề trồng nấm trên nguyên liệu sẳn có tại địa phương nhất là trên lục bình.

    - Tổ chức nông dân tham quan, học hỏi nhân rộng mô hình.

    - Có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho nông dân đầu tư sản xuất nấm theo qui mô tập trung, như trang trại, tổ hợp tác hay công ty….

    - Ngành nông nghiệp nên tiếp tục xây dựng chương trình về mặt khuyến công cho nghề trồng nấm theo quy mô tập trung như trang trại, tổ hợp tác, làng nghề nhất là ở vùng Đồng Tháp Mười. Đồng thời tiếp tục xúc tiến thương mại tạo điều kiện đầu ra cho vùng sản xuất tập trung này được tiêu thụ ổn định.

 
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 

 

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1